Ghi bàn trước các danh thủ miền Nam tại Sài Gòn
Sinh tại Quảng Bình năm 1953, học tiểu học tại Huế nhưng đất võ Bình Định mới chính là nơi Phan Kim Lân gắn bó gần trọn cuộc đời mình. Đến Quy Nhơn từ năm 1964, ông học từ bậc trung học rồi sau đó ở Trường Sư phạm Quy Nhơn là nơi đào tạo giáo viên nổi tiếng về chất lượng tại miền nam trước 1975. Đặc biệt tại đây dù không được qua trường lớp nào về đá bóng, cậu học sinh 16 tuổi của trường dòng La San này đã trở thành một trong những cầu thủ chủ lực của đội bóng đá trẻ Bình Định mang tên "Ngôi sao 20". Sau đó hai năm. đội trẻ này lại thắng cả đội tuyển tỉnh 3-0 nên vinh dự thay mặt đàn anh để đại diện tỉnh Bình Định về Sài Gòn dự giải toàn miền Nam 1971 với các đội mạnh.
Ngay sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh vào năm 1975, Phan Kim Lân đang dạy học tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) xin trở lại Quy Nhơn để tiếp tục làm nghề mình được đào tạo chính quy với diện "lưu dung". Đúng lúc đó, ông Lê Thì – Phó trưởng ty TDTT tỉnh (sau này trở thành Giám đốc Sở TDTT tỉnh từ 1981 – 1993, người nổi tiếng cả nước trong điều hành bóng đá và võ thuật) – nghe tiếng Phan Kim Lân là cầu thủ xuất sắc nên mời anh tìm nguồn cầu thủ để thành lập đội bóng đá tỉnh Nghĩa Bình (tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi sáp nhập). Ngoài Phan Kim Lân, trong đội tuyển tỉnh lúc đó còn có thầy giáo thể dục Lê Văn Minh (sau này là Giám đốc Sở TDTT Bình Định từ 1998 – 2008) và học sinh lớp 12 Dương Ngọc Hùng (thủ môn đội tuyển quốc gia 1979 - 1987).
|
Mới đây, khi đang ở nhà của con gái mình ở đường Tôn Thất Thuyết (Q.4, TP.HCM), mắt ông Lân sáng rực lên khi nghe tôi đề nghị kể về chuyển đi Sài Gòn cách đây 49 năm. Ông nói: “Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay. Sau khi đến phi trường Tân Sơn Nhất, tôi được xe chở đến tập luyện và ăn ở tại sân Cộng Hòa (tên cũ của sân Thống Nhất). Từ trước đến lúc đó, anh em chúng tôi chỉ biết đá bóng trên sân Quy Nhơn toàn cát nên khi được thi đấu trên mặt cỏ của sân đã từng tổ chức nhiều giải đấu quốc tế như vậy, cảm giác chúng tôi thật vui sướng và lạ lẫm vô cùng.
Thành phần thi đấu cho đội Sài Gòn lúc đó hầu hết là những cầu thủ nổi tiếng của làng cầu miền nam như Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Đỗ Cẩu, Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm… nên dù thua 1-2, chúng tôi vẫn có nhiều điều để hài lòng về những cố gắng của mình. Chính tôi là người ghi bàn duy nhất vào lưới đội Sài Gòn nên sau này càng đá tôi càng tự tin hơn, tiếp tục khổ luyện các kỹ thuật độc đáo để trụ vững theo trái bóng rất nhiều năm sau đó”.
Vẽ bùa như "Lân vẽ"
Từ khi học bậc trung học, Phan Kim Lân đã rất chú trọng rèn luyện thể lực bằng cách mỗi ngày tập chạy vòng quanh thành phố Quy Nhơn. Lúc đó, cứ vào 5 giờ sáng, ông bắt đầu chạy từ sân vận động đến bến xe khách, vòng qua Ghềnh Ráng, các đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo… với quãng đường khoảng 10 cây số. Do duy trì đều đặn thói quen này, khi trở thành cầu thủ thì cường độ hoạt động trên sân luôn rất cao, cộng với kỹ thuật cá nhân điêu luyện và hiệu quả, được nhiều nhà cầm quân “ngắm nghía”.
|
Phan Kim Lân trở thành người được đeo băng đội trưởng đội Nghĩa Bình từ sau tháng 5.1975 liên tục đến khi anh nghỉ thi đấu vào năm 1987. Năm 1979, anh được chọn vào đội tuyển quốc gia dự và đoạt hạng nhì giải các nước Xã hội chủ nghĩa sau khi thắng CHDC Đức, Cuba và Angola, hòa Hungary và thua Tiệp Khắc 2-3. Do thường xuyên thi đấu ở xa nên Phan Kim Lân được tỉnh cho nghỉ dạy để "biệt phái từng đợt" qua đội bóng mỗi năm đến 5 – 6 tháng, sau đó đến năm 1978 xin chuyển hẳn biên chế sang đội bóng và gắn bó với quả bóng tròn cho đến khi nghỉ hưu năm 2013.
Năm 1980, đội Nghĩa Bình và Phú Khánh trở thành hai đại diện của miền Trung vượt qua vòng tuyển chọn để được dự giải vô địch quốc gia đầu tiên sau ngày thống nhất và chính đội bóng của anh đã trở thành “chú ngựa ô” của giải. Có kỹ thuật khéo léo và thể lực dồi dào, Phan Kim Lân chạy khắp mặt sân khi thi đấu, cầm bóng qua nhiều đối thủ với những đường đi bóng zíc zắc “như vẽ bùa” nên được khán giả đặt cho biệt danh là “Lân vẽ” (người miền Nam hay gọi là "Lân dzẽ"). Khi thi đấu, Phan Kim Lân ban đầu mang áo số 7. Sau khi xem trận chung kết World Cup 1974 giữa CHLB Đức và Hà Lan, ông thấy trung phong Johan Cruyff của Hà Lan (mang số 14) thi đấu quá hay nên rất ngưỡng mộ và xin đổi số áo của mình thành 14 luôn.
|
Thời điểm đó, đội Nghĩa Bình có hai tiền đạo nổi tiếng là Tống Anh Hoàng (thường gọi là A) hay ghi bàn bằng quả đánh đầu hiểm hóc và Nguyễn Ngọc Thiện có tài khống chế bóng bằng ngực rồi bắt vô-lê tung lưới đối phương. Có những bàn thắng đó một phần lớn nhờ Phan Kim Lân phối hợp quá tốt với “Jeep lùn” Đặng Gia Mẫn (thân sinh của các cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương).
Ông Mẫn có tốc độ rất cao ở biên trái thường xuyên tạo ra nhiều cơ hội để tổ chức phản công và chuyền bóng chính xác cho đồng đội ghi bàn. Chính huấn luyện viên Nguyễn Sĩ Hiển của đội Thể Công lúc đó thường hay căn dặn học trò của mình: “Muốn thắng Nghĩa Bình, cứ kèm thật chặt Phan Kim Lân để Đặng Gia Mẫn không thể có bóng chuyền thuận lợi cho Tống Anh Hoàng và Nguyễn Ngọc Thiện ghi bàn".
|
Không cần xe lăn nữa
Năm 1987, Phan Kim Lân nghỉ thi đấu và chuyển qua làm huấn luyện viên cho đội Nghĩa Bình, giúp đội đoạt huy chương đồng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 1990. Sau đó ông dẫn dắt đội Quảng Ngãi (tách tỉnh từ 1989) từ hạng B thăng hạng A2 toàn quốc và huấn luyện viên đội Gia Lai từ 1995. Đến năm 2000, ông Lân quay trở lại Qui Nhơn làm huấn luyện viên năng khiếu và làm việc ở Sở TDTT trước khi nghỉ hưu, chấm dứt hẳn với các hoạt động bóng đá.
|
25 năm trước, trong thời gian làm việc ở Gia Lai, ông cho biết “ Tôi có chớm bị bệnh gout do thích dùng món thịt rừng là đặc sản của vùng đất Tây nguyên này, không phải vì nhậu nhẹt. Ban đầu cứ 2 năm căn bệnh này mới tái phát, sau đó “chu kỳ’ này nhanh hơn (còn 6 tháng, rồi 3 tháng) nhưng do còn trách nhiệm với đội bóng Tây nguyên nên nhiều lúc tôi chưa chú tâm trị cho dứt điểm”.
Trong dịp về TP.HCM thăm con gái vào năm 2013, ông mới kiểm tra sức khỏe thì phát hiện bệnh đã chuyển qua tiểu đường rồi viêm phổi nặng, phải điều trị tập trung tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Chợ Rẫy. Khổ là khi uống thuôc trị phổi, suốt hơn 8 tháng ông bị các khớp trong cơ thể “hành” rất dữ dội khiến ông đau quằn quại và nằm liệt giường, người bạn đời của ông là bà Nguyễn Thị Thu Thanh luôn túc trực để chăm sóc ông.
|
Sau khi hết thuốc trị phổi, ông mới gượng ngồi dậy để được ngồi xe lăn di chuyển trong nhà. Cũng trên chiếc xe lăn đó, nhân Festival bóng đá 3 miền Hồng Hà - Trường Sơn – Cửu Long 2015, ông được vợ mình đưa đến sân Thống Nhất để được gặp lại những đồng đội cũ từng sát cánh với nhau trên sân cỏ mấy chục năm trước. Mới đây ông còn có mặt tại quê nhà nhận kỷ niệm chương từ BTC chương trình gặp gỡ cựu danh thủ do Tập đoàn Hưng Thịnh hỗ trợ. Ông cùng với các bạn già của mình được sẻ chia và đều mong còn có những việc làm ý nghĩa cho bóng đá nước nhà trong những ngày sắp tới.
Khoảng 2 năm gần đây, nhờ gia đình chăm sóc và tích cực chữa trị, sức khỏe ông Lân đã tốt hơn, ông đã rời bỏ được chiếc xe lăn và tự dùng xe đạp để đi lại được rồi. Vợ chồng ông Lân hiện đang sống hạnh phúc tại nhà của con gái Phan Hoàng Vân trước công tác ở ngành ngân hàng và nay mở công ty riêng. Ngoài ra, cùng ở tại TP.HCM với ông bà còn có gia đình con trai đầu Phan Hoàng Vũ là giảng viên khoa Giáo dục thể chất trường Đại học Nông Lâm TP.HCM kiêm nhiệm vụ Giám sát bóng đá của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
|
Bình luận (0)