1 cây sao đen trồng từ thời Pháp ở đường Nguyễn Đình Chiểu bị đốn hạ, vì sao?

07/03/2024 15:10 GMT+7

Một cây sao đen trồng từ thời Pháp trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) bị đốn hạ vào ngày 6.3.

Cây cây sao đen được công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đốn hạ nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (trước Trường ĐH Kinh tế TP.HCM).

Đốn hạ cây sao đen trên đường Nguyễn Đình Chiểu

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, cây xanh đốn hạ là cây sao đen mã số 213, là cây loại 3, cao trên 23 m. Cây bị tình trạng rễ nổi, sam gốc, thân cong nghiêng về hướng trường đại học. Trong đó, cây loại 3 hay còn gọi cây đại mộc là những cây có chiều cao trưởng thành lớn (tức là cây cao trên 15 m).

1 cây sao đen trồng từ thời Pháp ở đường Nguyễn Đình Chiểu bị đốn hạ, vì sao?- Ảnh 1.

Cây sao đen trước khi bị đốn hạ cao trên 23 m

Vũ Phượng

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận đơn vị thi công công trình điện trong quá trình thi công gần gốc đã gây ảnh hưởng đến rễ cây. Do vậy, Trung tâm Hạ tầng Kỹ thuật đã cấp giấy phép để công ty cây xanh đốn hạ cây, bảo đảm an toàn. Sau khi đốn hạ, một cây sao đen khác sẽ được trồng lại tại vị trí cũ. Dự kiến, công tác đi tàn, đốn hạ và đào gốc sẽ hoàn thành vào ngày 8.3.2024.

Trên địa bàn Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM duy tu có hơn 7.000 cây sao đen; trong đó có hơn 3.800 cây loại 2, gần 1.500 cây loại 3. Nơi tập trung nhiều cây sao đen cổ thụ nhất là ở khu vực Hồ Con Rùa, đường Hàn Thuyên, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur. Hiện hàng loạt cây sao đen có tuổi thọ lên đến 80 - 100 năm vẫn còn tồn tại và được chăm sóc ở đường Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu cho đến tận ngày nay.

1 cây sao đen trồng từ thời Pháp ở đường Nguyễn Đình Chiểu bị đốn hạ, vì sao?- Ảnh 2.

Cây bị tình trạng rễ nổi, sam gốc, thân cong nghiêng về hướng trường đại học

Vũ Phượng

Cây sao đen phân bố rộng ở một số nước Đông Nam Á. Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp chọn cây sao đen để trồng trong đô thị Sài Gòn vì cây phù hợp với khí hậu miền Nam. Cây có thân màu đen sẫm, thân thường vươn cao thẳng đứng. Cây lại có bộ rễ ăn sâu, ít khi bị đổ ngang. Cây có lá bóng, hai cánh của trái mỏng, màu nâu.

1 cây sao đen trồng từ thời Pháp ở đường Nguyễn Đình Chiểu bị đốn hạ, vì sao?- Ảnh 3.

Rễ cây bị ảnh hưởng trong quá trình thi công điện

Vũ Phượng

Ngoài chuyện cây sao đen được trồng nhiều để cải tạo khí hậu, làm hài hòa môi trường đô thị, thì cây này còn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, gỗ của cây sao đen thường được dùng để đóng tàu thuyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.