Viện KSND tối cao mới đây có báo cáo về công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, gửi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Kỳ báo cáo được thực hiện từ 1.10.2023 đến 30.9.2024.
Theo báo cáo, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp.
Với hoạt động điều tra vụ án hình sự và tạm giữ, tạm giam, các sai phạm chủ yếu được phát hiện gồm: vi phạm thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm không đúng quy định, vi phạm thời hạn điều tra, vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng…
Cạnh đó là công tác quản lý, tuần tra, canh gác, kiểm tra, lục soát còn chưa bảo đảm, còn để xảy ra việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn (24 trường hợp), chết do tự sát (22 trường hợp), cất giấu, sử dụng vật cấm tại nơi giam, giữ…
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thụ lý, điều tra 55 vụ với 115 bị can nguyên là điều tra viên, cán bộ điều tra ngành công an để xử lý về các tội: nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án…
Với hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát, ngành kiểm sát cũng phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót của công chức, kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Qua đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố điều tra 4 vụ với 10 bị can là công chức ngành kiểm sát về tội nhận hối lộ.
Với hoạt động xét xử, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cũng đã thụ lý, điều tra 11 vụ với 13 bị can là công chức ngành tòa án.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao còn thụ lý, điều tra 18 vụ với 21 bị can là công chức cơ quan thi hành án dân sự về các tội: tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội phạm hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp
Báo cáo của Viện KSND tối cao cũng cho thấy, năm 2024, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin.
Cùng đó là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực như đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên...
Riêng về tội phạm tham nhũng, chức vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.027 vụ, tăng 17,1%.
Nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp tiếp tục bị phát hiện, khởi tố, điều tra.
Trong số này, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự câu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu.
Điển hình như vụ án vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; buôn lậu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP đất hiếm Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Hay như vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Hoặc vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil...
Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay, trong năm 2025, ngành kiểm sát sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt là giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ngành kiểm sát cũng sẽ chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Bình luận (0)