1 năm thảm họa cháy chung cư Carina: Ám ảnh cuộc đời giữa tình người

22/03/2019 09:32 GMT+7

Ngày 23.3.2018, vụ hỏa hoạn ở chung cư Carina làm 13 người chết, 28 người bị thương. Một năm đi qua, thảm họa đó vẫn còn ám ảnh các cư dân. Giờ nghe chuông báo cháy, anh Sơn giật mình, con anh bật khóc nức nở.

Hiện tại cuộc sống cư dân lô A, chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) vẫn như những gì đã diễn ra trước đó, nhịp sống ở đây dường như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng trong tâm thức của nhiều cư dân từng trải qua thời khắc ấy, thảm kịch cháy chung cư dường như mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Một số hộ dân cho rằng chẳng ai muốn vậy, nó là một ký ức kinh hoàng nhất trong cuộc đời này.
[VIDEO] Cư dân Carina chính thức được trở về nhà sau vụ cháy thảm khốc vào tháng 10.2018

"Bồ Tát ơi cứu con"

Rạng sáng ngày 23.3.2018, trong lúc cư dân đang ngủ say, lửa và khói đen phát ra từ tầng hầm giữ xe xộc lên các tầng trên. Nhiều người tỉnh giấc, hoảng loạn tìm cách thoát thân khỏi lô A toà nhà đang cháy. Cũng như nhiều cư dân đang cố tìm cách thoát thân ở tầng 3 toà nhà, nơi có nhiều người tử nạn trong cầu thang thoát hiểm, anh Nguyễn Thành Sơn (45 tuổi) cùng gia đình 4 người cũng hoảng loạn lần mò tìm đường thoát thân trong đám cháy mù mịt.
Anh kể lại, hôm đó vào khoảng 1 giờ hơn, gia đình anh tổng cộng có 5 thành viên gồm anh, mẹ già, vợ và hai người con đang ngủ trong nhà. Bỗng đâu đó anh nghe tiếng tri hô cùng với hơi nóng từ ngoài xộc vào trong. Anh tỉnh giấc, hô hoán mọi người cùng nhau tìm cách chạy ra bên ngoài.
Bãi xe của chung cư Carina bị lửa thiêu rụi hoàn toàn NGỌC DƯƠNG
Anh Sơn lập tức mở cửa chính, kéo cả nhà chạy ra phía hành lang. Anh dẫn đầu, nắm chặt tay từng người rẽ trái men theo hành lang vừa la lớn. Đến cửa thang máy, do sức nóng phà ra, gia đình anh Sơn trở vào nhà. Lần mò đường, anh Sơn vô tình lọt vào phòng chứa rác cách cầu thang thoát hiểm vài chục mét.
Bên ngoài, khói đen mù mịt, sức nóng của lửa xòng xộc ngoài hành lang. Quá kiệt sức, anh Sơn cùng gia đình mở vòi nước uống, đắp khăn ướt cho đứa con 2 tuổi để giữ bình tĩnh.
“Đuối quá rồi, mẹ tôi nói bỏ mẹ lại rồi đi đi, nhưng tôi thì thà đi hết hoặc chết hết. Đứa con lớn tôi tự nhiên đứng dậy la lớn ‘Bồ Tát ơi cứu con’ rồi nghe tiếng người khác chạy ồn ào chúng tôi lật đật đi theo lối thoát mặt sau chung cư. Khi tôi xuống được 2 tầng nghe tiếng bảo vệ tìm lối thoát xuống được lầu 1 là mừng quá, lúc đó là kiệt sức luôn rồi cả gia đình tôi nhảy lầu xuống hết luôn, ở dưới có nhiều người đứng hứng đỡ cho tôi”, anh Sơn kể lại cảnh thoát chết trong gang tấc.
Cả nhà anh được chuyển vào bệnh viện cấp cứu ngay tức khắc. 5 người trong nhà phải nhập viện điều trị lâu dài vì khói đen bám chặt vào thành phổi. Anh Sơn mê man 3 ngày 2 đêm, nằm viện 3 tuần mới được về nhà. Đôi mắt anh Sơn rát như tưởng bị mù. Các thành viên khác chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, cũng đến 3 tuần mới về.
Ngọn lửa và khói bao trùm toàn bộ tầng hầm để xe lô A chung cư Carina NGỌC DƯƠNG
Nhiều người ôm con tháo chạy ra khỏi chung cư NGỌC DƯƠNG
Sau khi bình phục anh Sơn trở về mà không nhận ra được nơi ở của mình. Cuộc sống gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Đến hiện tại, anh và gia đình vẫn còn cảm thấy ám ảnh bởi vụ cháy. Những lần nghe chuông báo cháy giả anh giật mình rồi lại nhớ về chuyện cũ. Thậm chí con cái anh khi nghe chuông báo cháy liền bật khóc nức nở.
Anh Sơn chia sẻ: “Giờ hễ tới ngày 23.3 là tôi nhớ nhất, ngày lịch sử của cuộc đời mình mà. Tôi không thể nào quên, không thể nào quên luôn”.
Anh Nguyễn Thành Sơn, cư dân tầng 3 lô A cho biết thảm họa cháy chung cư khiến anh không thể nào quên được PHẠM HỮU

'Con tôi chết. Ai cũng biết chỉ mình tôi không biết'

Giữa trưa những ngày gần cuối tháng 3, tôi trở lại căn nhà cấp 4 nằm ở con hẻm nhỏ trên đường An Dương Vương (Q.8). Tiếp chúng tôi là bà Tư, mẹ ruột của bảo vệ Trần Văn An. Anh An là người bị kẹt trong đám cháy và tử nạn tại chung cư Carina năm trước. 
Bà Tư cho biết, tính theo ngày âm lịch cách đây vài ngày là ngày giỗ giáp năm của An. Sau ngày anh An mất, cuộc sống của bà Tư trở nên buồn bã hơn, khó khăn hơn bởi mất đi trụ cột là anh.
Nhắc về thời điểm vụ cháy năm xưa, có lẽ bà Tư là người không thể nào quên được. Mỗi sáng, hễ từ 6 đến 7 giờ, anh An đi làm trở về nhà cùng đồ ăn sáng dành cho mẹ. Tuy nhiên, ngày định mệnh đó, ở nhà gia đình cứ nghĩ vì trách nhiệm làm bảo vệ nên anh An ở lại chung cư hỗ trợ bà con cư dân. Càng về trưa, những người con khác đều về nhà khiến bà Tư càng trông ngóng hơn nhưng vẫn không thấy hình dáng anh về.
Bà Tư, mẹ của bảo vệ Trần Văn An. Anh An tử nạn trong đám cháy ở chung cư Carina PHẠM HỮU
“Lúc tôi nghe tin cháy chung cư tôi không ngờ là con tôi chết. Tôi chỉ nghĩ là chỉ cháy vậy thôi con tôi vẫn đâu đó, con tôi cũng làm 5 năm quen biết bà con trong đó rồi, chắc đi theo xe cứu hoả, cấp cứu chữa lửa vậy thôi”, bà Tư kể lại.
Bà Tư kể thêm: “Càng ngày càng trưa, tiếng xe chạy vô hẻm rần rần mà tôi cứ tưởng thằng An nó về. Nó mà về lúc đó là tôi chạy ra ôm chặt nó luôn, không buông ra đâu. Lát người này người kia qua hỏi thăm, tôi mới biết con tôi chết. Ai cũng biết chỉ mình tôi không biết, tôi tức quá trời luôn”.
Trong tâm thức của bà Tư, anh An là người con hiền lành, có hiếu, luôn chăm sóc cho mẹ từng chút. Thế mà, đám cháy lại cướp đi mạng sống của anh. Ngày đám tang anh, bà con họ hàng ai cũng khóc, chòm xóm ai cũng có mặt chia buồn. Những cư dân chung cư lần lượt đến nhà thắp nén nhang tiễn biệt, tri ân. Bởi anh An xem bà con cư dân như người một nhà, luôn hỗ trợ bà con lúc bệnh đau, hay những việc nhỏ khác.
“Tôi nghe kể lại, con tôi đã thoát được ra ngoài nhưng nghe người già, con nít la ó um sùm nó vẫn quay lại cứu giúp nhiều người khác nữa. Bị cúp điện mà con tôi đi gõ cửa kêu từng nhà. Cư dân họ đến chia buồn họ khóc, họ nói nhờ chú An mà họ sống sót được”, bà Tư vừa nói về con trai vừa rơi nước mắt.
Bà Tư vẫn giữ di vật là chiếc điện thoại của anh An PHẠM HỮU
Bà Tư đau buồn vì mất con nhưng bà cho rằng rất tự hào về người con trai xả thân cứu người: “Nó chết để lại tiếng, tiếng thương người, cứu người của nó còn mãi. Thành ra vẫn chưa tới giáp năm ai cũng nhắc, cũng đến thắp nhang cho nó”.
Thời gian đã trôi qua trọn một năm, mỗi ngày bà Tư vẫn nhớ những bữa ăn sáng được mang về từ tay đứa con trai mình. Thế nhưng, bây giờ bà mãi mãi không thể thấy lại được khung cảnh từ sau vụ cháy chung cư nữa.

Cư dân đoàn kết, sống chân tình hơn sau biến cố

Cũng như nhiều cư dân may mắn khác, bà Trần Cẩm Tú thoát nạn và hiện sống tại tầng 3 chung cư Carina. Bà Tú là một trong những hộ dân quyết định trở về chung cư sinh sống thay vì bán nhà đi nơi khác.
Trong lúc trò chuyện với tôi bà luôn miệng nhắc lại câu: “Chẳng ai muốn như vậy, chẳng ai muốn như vậy” khi bà nhớ lại thảm kịch diễn ra hồi năm ngoái. Bà Tú cho rằng, bà cảm thấy mình rất may mắn khi không phải là nạn nhân trong đêm cháy vì bà đi du lịch vài ngày trước đó. Tuy vậy, bà không khỏi rùng mình nhớ lại lời kể của gia đình trong lúc hoả hoạn xảy ra.
Bà Tú cho biết, sau biến cố bà nhận thấy cư dân ở chung cư sống rất chân tình, luôn giúp đỡ nhau khi khó khăn NGỌC DƯƠNG
6 giờ sáng hôm đó, khi đang đi du lịch vui vẻ, con gái gọi điện báo tin chung cư cháy, chân tay bà Tú run rẩy không thể cử động được. Bà hỏi thăm tình hình các cháu, nhà cửa mà không khỏi lo lắng.
Sau vụ cháy, bà trở về và không thể nhận ra được căn nhà mình từng sống vài ngày trước đây. Cầu thang thoát hiểm đọng nước. Khói ám đen bao trùm tất cả căn nhà. Cánh cửa chính vặt vẹo do bị phá cửa trong lúc chữa cháy. Ngay cả tới thời điểm này, vết khói đen vẫn còn ám bên trong màn hình chiếc điều khiển máy lạnh nhà bà.
Dãy hành lang chung cư Carina thời điểm hiện tại PHẠM HỮU
Chung cư Carina giờ đã thay đổi nhiều so với thời điểm một năm về trước PHẠM HỮU
“Điều đầu tiên tôi nghĩ chắc thôi bán nhà đi chỗ khác ở. Nhưng lúc lên đến nhà mình, rồi gặp những người thoát chết trở về nhìn nhau mừng lắm. Thế là thôi, nhà mình sao mà bỏ được, về thôi…” bà Tú chia sẻ về quyết định bám trụ ở lại chung cư Carina.
Bà Tú nói, tất cả rồi cũng qua hết. Một nửa cư dân đã bỏ đi, một nửa vẫn còn ở lại nơi đây xem như quê hương của mình. Chung cư giờ đã cải thiện hơn trước rất nhiều, từ khâu vệ sinh, chuông báo cháy cũng đã hoạt động tốt. Ban quản lý chung cư cũng quan tâm đến cư dân nhiều hơn. Sau biến cố này, cư dân đã đoàn kết hơn. Những lợi ích chung được bà con chung tay chia sẻ nhiều hơn. Cuộc sống đã trở lại bình thường, những gì đã qua hãy để nó trôi qua, cùng hướng về tương lai và đừng nghĩ về quá khứ đau buồn này nữa, bà Tú trải lòng.
Bà Tú nói thêm: “Hồi tết hay giáng sinh vừa rồi chung cư có tổ chức vui chơi, gói bánh chưng. Tự nhiên tôi thấy con nít ở đâu xúm lại vui chơi rất nhiều. Mà tôi thấy con nít nhiều như một sự hồi sinh vậy đó, Carina bây giờ như hồi sinh trở lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.