1 người chết, 4 người nhập viện: Ngộ độc do ăn so biển

03/02/2015 17:16 GMT+7

(TNO) Liên quan đến vụ ngộ độc khiến 1 người chết, 4 người nhập viện vừa xảy ra ở Sóc Trăng, chiều 3.2, bác sĩ Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ) cho biết: Nhiều khả năng các bệnh nhân ăn con so chứ không phải con sam.

(TNO) Liên quan đến vụ ngộ độc khiến 1 người chết, 4 người nhập viện vừa xảy ra ở Sóc Trăng, chiều 3.2, bác sĩ Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ) cho biết: Nhiều khả năng các bệnh nhân ăn con so chứ không phải con sam. Đây là hai con có hình dáng giống nhau và khó phân biệt.

Vụ ngộ độc khiến 1 người chết, 4 người nhập viện: Ngộ độ do ăn so biểnCác bệnh nhân Lâm Ngọc Minh (trái), Trần Phum Ma Ra (giữa), Kim Kinh đã tỉnh táo kể lại sự việc - Ảnh Đình Tuyển
Trước đó, sáng 2.2, bốn người gồm ông Lâm Ngọc Minh (48 tuổi), Kim Kinh (37 tuổi), Lâm Sươl (40 tuổi), Trần Phum Ma Ra (29 tuổi, cùng ngụ ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) qua nhà ông Lâm Đực (51 tuổi) ở cùng ấp xem xe cuốc múc đất vuông tôm. Thấy con rể ông Lâm Đực tát đìa nên cả bốn người cùng xuống bắt cá và bắt được một con so to bằng cái chén ăn cơm. Tưởng là con sam nên cả nhóm đem nướng cùng với vài con cá bống cát làm mồi nhậu.
Sau khi 5 người uống hết khoảng 2 lít rượu thì ông Lâm Đực, vốn đang bị bệnh sơ gan, đái tháo đường, suy thận bỗng bị tê cứng hàm, cứng lưỡi, mặt đỏ phừng phừng, không nói được. Gia đình liền đưa ông Đực đi cấp cứu ở trạm y tế xã Vĩnh Hải và được bác sĩ chẩn đoán “ngộ độc do ăn sam nướng” đến trưa 2.2 ông Đực tử vong.
Sau khi ông Lâm Đực tử vong, 4 người còn lại bắt đầu bộc phát các triệu chứng tê cứng hàm, cứng lưỡi, tê tay chân, choáng váng, đau đầu, nôn ói nhưng vẫn tỉnh táo. Cả bốn người này đều lầm tưởng bị trúng gió nên ai về nhà nấy cạo gió nhưng không hết. Cho đến khi cán bộ y tế xã đến thông báo thì người nhà tức tốc 4 người đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Vĩnh Châu rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Khoảng 0 giờ 30 phútngày 3.2, cả bốn người được chuyển lên Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ. Bác sĩ Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, cho biết, sau khi được truyền nước giải độc, đến sáng nay, các bệnh nhân đã tỉnh táo, bớt triệu chứng tê, đau đầu. “Lúc đầu các bệnh nhân cho biết là ăn sam nướng nên tôi thấy khá lạ vì từ trước đến nay không nghe ngộ độc sam, bệnh viện chỉ thi thoảng tiếp nhận những ca ngộ độc cá nóc”, bác sĩ Phương nói.
Ông Kim Kinh kể: “Đó giờ tui vẫn ăn sam thịt nó rất ngọt, trứng béo có sao đâu. Tôi cũng không biết phân biệt sam với so nên khi bác sĩ hỏi chúng tôi cũng nói ăn sam nướng. Ai ngờ, giờ mới nghe nói có con so giống y con sam nhưng có độc không ăn được”.
Vụ ngộ độc khiến 1 người chết, 4 người nhập viện: Ngộ độ do ăn so biển 2Bệnh nhân Lâm Sươl đang được bác sĩ theo dõi
Vụ ngộ độc khiến 1 người chết, 4 người nhập viện: Ngộ độ do ăn so biển 3 Phân biệt giữa sam (trái) và so - Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TP.HCM
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bác sĩ Dương Thiện Phước cho biết: “Sam biển là loài không có độc và vẫn thường được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, có một “người anh em” với sam biển là so biển rất khó để phân biệt với sam”.
Cũng theo bác sĩ Phước, cả hai con đều là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Riêng so biển có chứa độc tố tetrodotoxin (giống ở cá nóc). “Đây là độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh. Hiện nay chưa có thuốc giải độc”, bác sĩ Phước nói. Nguy hiểm hơn là độc tố tetrodotoxin tan trong nước nhưng không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại) nên dù đã chế biến chín thì người ăn vẫn bị ngộ độc. “Để tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc thì tốt nhất là không nên ăn khi không phân biệt được sam và so một cách chắc chắn. Bởi ngay cả những người ở vùng biển còn lẫn lộn giữa hai con này”, bác sĩ Phước nói.
Còn theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), so và sam nhìn bên ngoài rất giống nhau, khó phân biệt. Trên thế giới họ sam có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển và so biển.
Sam biển (sam lớn): có môi trường sinh sống là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Nó được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm.
So biển (sam nhỏ) có môi trường sinh sống là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Triệu chứng ngộ độc so biển
Tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ... Khi phát hiện cần chủ động nôn hết thức ăn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Khuyến cáo: tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), tuy sam và so rất giống nhau nhưng vẫn có vài điểm có thể phân biệt giữa hai con:

Đặc điểm phân biệt

Con sam

Con so

Đuôi

Có tiết diện hình tam giác, ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa.

Có tiết diện hình tròn hoặc trứng, không có gai.

Kích thước

Con sam thường có kích thước lớn hơn con so (khoảng 17-34 cm, nặng 3,8 kg).

Nhỏ hơn con sam (chiều dài thân không quá 20-25 cm), khối lượng nhỏ hơn 1 kg. Tuy nhiên cần lưu ý để trưởng thành, sam cần thời gian khoảng mười năm, do đó rất có thể con so sẽ bị nhầm với con sam còn non.

Di chuyển

Sam thường đi theo cặp, con đực hay bám trên lưng con cái.

Tuy nhiên cần lưu ý nếu vào mùa sinh sản, không phải chỉ có sam đi theo cặp mà so cũng có thể đi cặp với nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.