10 câu hỏi này sẽ tiết lộ tuổi thơ có gặp tổn thương hay không

04/05/2023 11:00 GMT+7

Một bác sĩ đã đăng một bài đăng chỉ ra việc ai đó có bị tổn thương trong tuổi thơ hay không bằng cách trả lời 10 câu hỏi.

Một số người có thể khó biết và thừa nhận những "vết sẹo" tình cảm do tổn thương thời thơ ấu có thể đã để lại cho họ. Nhưng theo tiến sĩ Pete (bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở Mỹ) việc nhận biết và giải quyết những vấn đề này có thể bắt đầu bằng việc trả lời bảng câu hỏi gồm 10 bước.

Theo tờ New York Post ngày 3.5, vị bác sĩ này cho biết bằng việc tham gia bài kiểm tra, được gọi là "Điểm trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu" (ACE), có thể là một bước quan trọng để chữa lành và phục hồi cho những tâm hồn bị tổn thương.

Bài đăng về chủ đề này hiện đang được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok với hơn 7,3 triệu lượt xem.

Bác sĩ này cho hay: “Tôi sẽ hỏi bạn 10 câu hỏi về thời thơ ấu của bạn và câu trả lời sẽ tiết lộ tuổi thơ của bạn đã trải qua những tổn thương như thế nào”.

Sau đó, anh ấy hướng dẫn người xem hãy nghĩ về thời thơ ấu cho đến năm 18 tuổi khi hoàn thành bài kiểm tra. Mỗi câu trả lời là "có", bạn sẽ được 1 điểm.

10 câu hỏi này sẽ tiết lộ tuổi thơ có gặp tổn thương hay không - Ảnh 1.

Tiến sĩ Pete, bác sĩ nhi khoa nổi tiếng

CHỤP MÀN HÌNH TRANG NEW YORK POST

Câu hỏi đầu tiên: “Cha mẹ hoặc người lớn khác trong nhà của bạn có thường xuyên hoặc rất thường xuyên chửi bới, xúc phạm, hạ thấp bạn, hoặc làm nhục bạn hoặc hành động theo cách khiến bạn sợ rằng bản thân có thể bị tổn thương về thể chất không?”.

Câu hỏi số 2: “Bạn có thường xuyên hoặc rất thường xuyên cảm thấy rằng không ai trong gia đình yêu thương hoặc nghĩ rằng bạn quan trọng hay đặc biệt, gia đình không quan tâm đến bạn, không cảm thấy gần gũi hoặc không có sự hỗ trợ lẫn nhau không?”.

Câu hỏi số 3: “Bạn có thường xuyên cảm thấy mình không đủ ăn, phải mặc quần áo bẩn, không có ai bảo vệ hoặc có cha mẹ quá say xỉn hoặc say khướt để chăm sóc cho mình không?”.

Câu hỏi số 4: “Cha mẹ bạn đã từng ly thân hay ly dị chưa?”.

Câu hỏi số 5: "Có phải một thành viên trong gia đình bị trầm cảm hoặc mắc bệnh tâm thần, hoặc một thành viên trong gia đình đã có ý định tự tử không?".

Câu hỏi số 6: “Bạn có sống với bất kỳ ai có vấn đề về uống rượu, nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy không?”.

Câu hỏi số 7: “Cha mẹ hoặc người lớn khác trong nhà của bạn có thường xuyên hoặc rất thường xuyên đẩy, tát hoặc ném thứ gì đó vào bạn hoặc đánh bạn mạnh đến mức bạn bị hằn vết hoặc bị thương không?”.

Câu hỏi số 8: “Có phải một người lớn hoặc một người lớn hơn bạn ít nhất năm tuổi đã từng chạm vào hoặc mơn trớn bạn hoặc bạn đã chạm vào cơ thể họ hoặc cố gắng quan hệ tình dục với bạn không?”.

Câu hỏi số 9: “Mẹ/cha hoặc cha/mẹ kế của bạn có thường xuyên hoặc rất thường xuyên xô đẩy, túm lấy, tát hoặc ném thứ gì đó vào họ hoặc đá, cắn, đánh, hoặc nhiều lần đe dọa không?”.

Câu số 10: "Có thành viên nào trong gia đình đi tù không?".

Bác sĩ Pete giải thích rằng nếu bạn không có điểm nào, bạn có thể không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào từ thời thơ ấu của mình.

Nếu bạn có dưới hoặc bằng 3 điểm thì bạn đạt mức an toàn tối thiểu.

Và nếu bạn đạt điểm 4 hoặc cao hơn, đó là lúc có thể có những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe của bạn.

Vị bác sĩ này cho biết thêm rằng điều quan trọng cần lưu ý là rất nhiều yếu tố góp phần gây ra chấn thương tâm lý thời thơ ấu bao gồm những thứ bên ngoài đối với một đứa trẻ, những thứ mà chúng không kiểm soát được nhưng chúng đã nội tâm hóa.

Những điều này vẫn có thể ảnh hưởng đến chúng ta trong suốt thời thơ ấu, tuổi thiếu niên và cuộc sống trưởng thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.