10 cột mốc quan trọng tạo nên 'huyền thoại thời trang' Karl Lagerfeld
Qua đời ở tuổi 85, Karl Lagerfeld ra đi và để lại một huyền thoại đủ làm thay đổi thế giới thời trang với những sáng tạo không tưởng.
Tự động phát
Cả thế giới thương tiếc trước sự ra đi của Karl Lagerfeld, giám đốc sáng tạo nổi tiếng thế giới, với các đóng góp cho những thương hiệu tên tuổi như Chanel, Chloe, Fendi... Có thể giới truyền thông giải trí dễ nhớ nhiều đến tên tuổi của 17 siêu mẫu nữ đã thành danh trong ngành công nghiệp thời trang nhờ bàn tay sáng tạo của Karl Lagerfeld. Tuy nhiên, nhà thiết kế gốc Đức này hẳn còn được nhớ mãi bởi qua các ý tưởng đầy tính cách mạng suốt 65 năm hành nghề kéo vải. Các đồng nghiệp của ông đã phải thốt lên tên ông cùng hai tiếng “quái kiệt”.
Từ những thiết kế đầu tiên Karl sáng tạo cho Balmain đến những thành quả mới nhất ông thực hiện với các siêu mẫu như Bella Hadid, 85 năm sống và làm việc của Lagerfeld không có hai chữ nghỉ hưu. Nhưng cuối cùng, chặng đời ấy đã kết thúc tuần qua, ngay tại Paris, địa danh được tôn vinh là kinh đô thời trang thế giới. Dưới đây là 10 cột mốc để nói về ông trùm này:
1. Lagerfeld gia nhập làng thời trang sau khi giành chiến thắng cuộc thi thiết kế vào năm 1954
17 tuổi, Lagerfeld đã tham gia Cuộc thi thiết kế thời trang do Hiệp hội len quốc tế tổ chức. Chàng trai trẻ này không chỉ giành ngôi vị quán quân, mà thiết kế áo khoác của ông còn được chính Pierre Balmain, người đã chọn Lagerfeld làm trợ lý cho mình, tung ra sản xuất. Từ đó Karl tiếp tục chứng minh khả năng tạo dựng tên tuổi riêng trong ngành thời trang vốn đòi hỏi quỹ thời gian nhiều năm làm việc chăm chỉ. Không chỉ cộng tác với Balmain, Lagerfeld thậm chí còn thu thập được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp hơn qua chức danh Giám đốc nghệ thuật cho nhà thiết kế Jean Patou.
2. Không ngại dấn thân mạo hiểm và sẵn sàng chia tay những nhà thiết kế sừng sỏ khi cảm thấy cần thiết
Bằng chứng là Karl Lagerfeld đã liên tục làm việc tự do ở Pháp, Ý, Anh và Đức. Năm 1962, Lagerfeld trở thành một trong những nhà thiết kế thời trang đầu tiên làm việc tự do. Ngày nay kiểu làm việc này đã rất phổ biến, nhưng vào thời của Karl, đây hoàn toàn là một bước nhảy vọt đầy tính cách mạng. Trong thời gian làm free-lancer, nhà thiết kế người Đức đã tạo ra các kiểu quần áo và phụ kiện cho những tay tổ trong nghề như Mario Valentino, Chloé và nghệ nhân đóng giày Charles Jourdan.
3. Lagerfeld đã ảnh hưởng phần lớn đến các thiết kế của Fendi kể từ năm 1965
Suốt hơn năm thập niên Karl đã thiết kế trang phục phụ nữ cho thương hiệu Fendi. Ban đầu, nhãn hàng cao cấp này thuê ông sáng tạo các thiết kế lông thú. Trong năm đầu tiên tại công ty, Lagerfeld đã tạo ra các thiết kế độc đáo bao gồm lông thỏ và lông sóc, hai dòng quần áo trước đây chưa từng được sử dụng trong thế giới thời trang. Ông cũng kết hợp lông thú, vốn thường được mặc cho những dịp trang trọng, vào trang phục hằng ngày. Karl tiếp tục hợp tác với thương hiệu cho đến khi qua đời với tư cách Giám đốc sáng tạo cho các dòng sản phẩm thời trang nữ và lông thú của Fendi.
4. Năm 1975, Lagerfeld trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên lên chai nước hoa
Lagerfeld đã tạo ra mùi hương cho nhãn hàng Chloé, nơi ông đã dừng chân cho đến năm 1978. Loại nước hoa này cũng được gọi là Chloé, còn trên nhãn chai lại ghi "Parfums Lagerfeld". Tất nhiên, Lagerfeld không phải là người đầu tiên giới thiệu nước hoa cho thế giới thời trang. Sự kết nối thực sự có thể bắt nguồn từ năm 1921, khi Coco Chanel phát hành mùi hương đầu tiên của bà: Chanel 5. Nhưng điều khiến Lagerfeld nổi bật là, không giống như các nhà thiết kế làm việc dưới tên một thương hiệu lớn, ông trở thành người đầu tiên có tên đầy đủ của mình được đính kèm vào sản phẩm.
5. Lagerfeld là người đã cứu Chanel khỏi bị phá sản
Sau khi nhận chức Giám đốc nghệ thuật từ Chanel vào năm 1983, ông đã ngay lập tức thay đổi tiếng tăm của Chanel sau khi được thuê. Vào thời điểm đó, những tín đồ thời trang bắt đầu quay lưng lại với thương hiệu cổ điển này để ủng hộ những thiết kế hiện đại hơn, nhất là sau khi Coco Chanel qua đời vào năm 1971. Lúc ấy công ty đang cùng chung số phận với các thương hiệu như Balenciaga, nhãn hàng đã bắt đầu sa sút, thất bại khi người sáng lập không còn, nhưng Lagerfeld đã quyết tâm thay đổi tình trạng bi đát ấy ở Chanel.
6. Nhà thiết kế đánh thức phong cách thời trang phụ nữ
Ông đã giải quyết thách thức bằng cách hiện đại hóa các dòng trang phục cổ điển của Chanel. Chẳng hạn, ông kết hợp chất liệu vải tweed vào phong cách grunge đang thịnh hành, đưa logo chữ lồng đặc trưng của thương hiệu vào các sản phẩm ít ai ngờ đến như kiểu thắt lưng hào nhoáng và các đồ trang sức. Lagerfeld cũng nổi tiếng là người đã chuyển trọng tâm của thương hiệu từ nước hoa sang thời trang. Trong một bộ phim tài liệu năm 2007 có tên "Bí mật Lagerfeld" của mình, ông đã nói: “Phụ nữ mặc trang phục của Chanel tựa như đánh thức một nàng tiên ngủ trong rừng".
7. Nếu không có Lagerfeld, logo mô-típ chữ lồng nổi tiếng của Chanel sẽ không tồn tại
Tất cả mọi thứ của thương hiệu, từ túi xách, giày dép đến đồ trang sức đều có gắn logo chữ lồng này. Ngày nay, nhiều thiết kế của Chanel được đắp nổi bằng hai chữ cái “CC” lồng ngược vào nhau. Lagerfeld là người đầu tiên nghĩ ra kiểu logo ấy vào đầu những năm 80. Ngoài công việc thiết kế trang phục, phụ kiện, Lagerfeld còn là một nhiếp ảnh gia thời trang được đánh giá cao. Đến năm 1987, Lagerfeld đã dành gần như phần lớn thời gian phía sau ống kính máy ảnh khi làm việc thiết kế. Không chỉ chính tay bấm máy các shoot hình khi thực hiện các chiến dịch thời trang, Karl còn xuất bản các bức ảnh ông chụp trong những cuốn sách như Off the Record.
8. Lagerfeld trở thành nhà thiết kế đầu tiên hợp tác với H&M
Ông đã hợp tác với thương hiệu thời trang này vào năm 2004 và cho ra đời bộ sưu tập gồm 30 mẫu trang phục. Toàn bộ dòng sản phẩm đã được bán hết trong vài phút giúp H&M mở ra cơ hội hợp tác với nhiều nhà thiết kế khác bao gồm Balmain và Moschino trong những năm tiếp theo.
9. Bàn đạp của nhiều người mẫu nổi tiếng thế giới
Ông là nhà thiết kế đầu tiên làm việc gắn bó với các siêu mẫu tiếng tăm của thập niên 80 như Linda Evangelista và Claudia Schiffer. Trong những năm gần đây, nhà thiết kế tiếp tục phát hiện và bảo trợ các gương mặt người mẫu mới, dành vị trí vedette cho họ trong các chương trình thời trang Chanel đầu tiên của nghiệp catwalk họ theo đuổi, bao gồm Cara Delevingne và Bella Hadid.
10. "Tại sao tôi nên ngừng làm việc? Nếu tôi làm vậy, tôi sẽ chết và tất cả sẽ kết thúc"
Lagerfeld đã nói như thế trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 của tạp chí Vogue. "Thật là nhàm chán khi hằng ngày phải đến văn phòng để kiếm sống. Tôi yêu thời trang. Tôi muốn làm công việc này từ khi còn nhỏ và tôi may mắn được làm việc trong điều kiện hoàn hảo nhất... Sẽ thật ngu ngốc nếu từ bỏ điều ấy!", ông tiếp. Nhiều năm vừa qua, trong giới thời trang râm ran tin đồn về thời điểm Lagerfeld nghỉ hưu. Tuy nhiên, qua một cuộc phỏng vấn năm 2016 của Harper's Bazaar cùng với Kendall Jenner, ông đã tái xác nhận một cách khinh miệt về việc nghỉ hưu ấy khi nói “Tôi là một cỗ máy”.
Thời gian trước khi qua đời, mặc dù nhà thiết kế liên tục có các nhận định tích cực về sức khỏe của mình, ông cũng vẫn chia sẻ các dự định về đám tang khi nói: "Sẽ không có chuyện chôn cất. Tôi đã yêu cầu được hỏa táng và mong tro cốt của mình, của mẹ và của cả chú mèo lông trắng Choupette thân yêu, nếu nó chết trước tôi, được rải tung bay theo gió”. Nay người ta đang sôi sục với tin đồn Choupette được Karl Lagerfeld để di chúc cho hưởng khoảng 200 triệu USD gia sản của ông.
Bình luận (0)