10 dấu ấn giáo dục của TP.HCM năm 2024

01/01/2025 09:54 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM công bố 10 dấu ấn ngành GD-ĐT TP.HCM năm 2024, trong đó đề cập đến chiến lược phát triển, kết quả đào tạo và ứng dụng công nghệ vào giáo dục trong năm qua…

 10 dấu ấn giáo dục của TP.HCM năm 2024- Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trong hoạt động ngoại khóa

ẢNH: BẢO CHÂU

Theo đó, 10 dấu ấn ngành GD-ĐT TP.HCM được công bố như sau:

1. Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tháng 1.2024, UBND TP.HCM đã ban hành và phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra các mục tiêu trọng tâm:

Xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, khu vực ASEAN và tiến đến đào tạo công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế.

Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc.

2. TP.HCM được công nhận là thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Tháng 2.2024, TP.HCM được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Đây là một niềm vinh dự, là kết quả của một quá trình tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân thành phố; thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Chuyển đổi số, khai thác dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

Trong năm 2024, ngành GD-ĐT TP.HCM được ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục thông qua việc hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế. Mô hình Trường học số hiện đại được triển khai dựa trên nền tảng quản lý và học tập trực tuyến tiên tiến, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ mới nhất. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy, đồng thời hỗ trợ xây dựng một hệ thống giáo dục thông minh và bền vững.

Với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, thành phố đã xây dựng lộ trình cụ thể, liên tục cập nhật để đáp ứng xu hướng công nghệ toàn cầu. Một trong những bước quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, làm nền tảng cho việc phân tích, dự báo và ra quyết định. Việc ứng dụng AI trong giáo dục không chỉ cá nhân hóa việc học tập mà còn hỗ trợ phân luồng học sinh từ sớm, dự báo nhu cầu giáo dục tương lai và tối ưu hóa chiến lược phát triển.

 10 dấu ấn giáo dục của TP.HCM năm 2024- Ảnh 2.

Học sinh học chương trình tiếng Anh tích hợp

ẢNH: BẢO CHÂU

4. Tổng kết 10 năm thực hiện các đề án giáo dục

Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam": Sau 10 năm thực hiện đề án, ngành GD-ĐT đã đạt được kết quả: Hiệu suất đào tạo được đảm bảo, chất lượng giáo dục nói chung và kết quả học tập bộ môn tiếng Anh của học sinh ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh được cải thiện rõ rệt, số lượng học sinh và các cơ sở giáo dục tham gia đề án tăng dần qua các năm.

Thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi: TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi. Đây được xem là chủ trương giàu tính nhân văn, đáp ứng được nhu cầu của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là người dân lao động.

5.Kết quả đào tạo, bồi dưỡng vượt bậc

Năm học 2023-2024, giáo dục thành phố đã đạt được những thành tích nổi bật trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật. Nổi bật nhất là tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ, dự án của 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham dự đã đạt giải nhì thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống và giải tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng. Đây là lần đầu tiên, học sinh TP.HCM đạt giải cao nhất sau 12 năm liên tục tham gia sân chơi quốc tế này.

Đội tuyển học sinh giỏi thành phố xếp thứ 2 trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, vượt 10 bậc so với kết quả năm học 2022-2023; TP.HCM liên tục 8 năm liền giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

6. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cấp học triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm học; phối hợp hiệu quả các phong trào trong nhà trường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đưa ra nhiều giải pháp tích cực để duy trì sĩ số, đảm bảo "không để học sinh bỏ học", giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.

Tháng 9.2024, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2577/QĐ-BGDĐT công nhận TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

7. Trường học số

Trong năm 2024, ngành GD-ĐT đã triển khai Bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số như một bước đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Đây không chỉ là công cụ đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục đạt chuẩn trường học số, mà còn là một tiền đề chiến lược để định hướng các giải pháp sáng tạo và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại. Bộ tiêu chuẩn này góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 50 trường học số trên địa bàn thành phố, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

8. Trường học hạnh phúc

TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, mô hình đã đạt được hiệu quả góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM "Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo"; lan tỏa mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, vun đắp tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.

9. Liên tiếp 10 năm TP.HCM giữ vị trí đầu trên bảng xếp hạng hội khỏe Phù đổng toàn quốc

Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024 tổ chức tại Hải Phòng, có 63 tỉnh thành tham dự. Đoàn thể thao học sinh TP.HCM với hơn 600 thành viên đăng ký tham dự tất cả các nội dung thi đấu của 15 môn thể thao, đạt 275 huy chương vàng, 141 huy chương bạc, 123 huy chương đồng, tổng điểm chung cuộc là 6.699 điểm đạt giải Nhất toàn quốc.

10. Ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Sở GD-ĐT ký biên bản bàn giao, triển khai với các cơ sở đào tạo và ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Việc triển khai đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, phát huy vai trò của các trường thành viên Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, vùng Đông Nam bộ và cả nước. Điều này cũng góp phần xây dựng TP thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.