10 dấu ấn ngoại giao của TP.HCM năm 2024

12/01/2025 12:52 GMT+7

2024 đánh dấu một năm đầy sôi động trong hoạt động đối ngoại của TP.HCM.

Ngày 12.1, Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết năm 2024 đánh dấu một năm đầy sôi động trong hoạt động đối ngoại của thành phố. TP.HCM đã tận dụng hiệu quả những cơ hội hợp tác song phương và đa phương, khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế - văn hóa của cả nước. Trong đó có 10 dấu ấn nổi bật sau:

Thứ nhất, trong công tác tham mưu, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, như Chiến lược nâng tầm công tác đối ngoại đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với các định hướng chiến lược, mục tiêu, và giải pháp nhằm tổ chức, phát huy hiệu quả nguồn lực đối ngoại. Ngoài ra, TP.HCM cũng ban hành Đề án phát huy nguồn lực kiều hối đến năm 2030.

Thứ hai, đón hơn 40 đoàn cấp cao nước ngoài, nổi bật là các đoàn Tổng thống Đức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Bulgaria. Lãnh đạo TP.HCM cũng có hơn 400 cuộc tiếp khách đối ngoại, tập trung vào hợp tác kinh tế hậu Covid-19, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị thông minh, triển khai các dự án trọng điểm.

Họp mặt cán bộ hưu trí vào ngày 19.1

Sở Ngoại vụ TP.HCM và Ban Liên lạc hưu trí sẽ tổ chức buổi họp mặt truyền thống dịp Tết Nguyên đán 2025 cho các nguyên cán bộ Ban Thống nhất Trung ương, Ban CP72 và cán bộ hưu trí Bộ Ngoại giao đã về hưu đang cư trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Buổi họp mặt được tổ chức vào lúc 9 giờ, ngày 17.1 (thứ sáu) tại Hội trường Sở Ngoại vụ TP.HCM, số 6 Alexandre de Rhodes, P.Bến Nghé, Q.1.

Thứ ba, tổ chức 15 đoàn lãnh đạo TP.HCM đi công tác nước ngoài, tiêu biểu là đoàn của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thăm và làm việc tại Mông Cổ, đoàn Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải thăm và làm việc tại Chile và Venezuela, đoàn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thăm và làm việc tại Mỹ và Úc. Qua đó, góp phần thúc đẩy các nội dung hợp tác truyền thống và tạo khuôn khổ cho những lĩnh vực hợp tác mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

10 dấu ấn ngoại giao của TP.HCM năm 2024- Ảnh 1.

250 doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước Việt Nam - Bulgaria chụp ảnh lưu niệm cùng với Tổng thống Rumen Radev và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vào ngày 27.11.2024

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thứ tư, đối ngoại Đảng. TP.HCM tổ chức hội thảo lý luận lần thứ 18 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (12.1), buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên (27.3).

Thứ năm, ngoại giao kinh tế, nổi bật là Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ năm với lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư C4IR và tiếp chuyến thăm của Chủ tịch WEF. Qua đó, mở ra nhiều phương hướng thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật.

Thứ sáu, ngoại giao văn hóa với nhiều sự kiện như lễ hội Sông nước TP.HCM, Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất, ngày TP.HCM tại Osaka, lễ hội Việt - Nhật lần thứ 9.

Thứ bảy, hợp tác truyền thông với báo chí trong và ngoài nước để đưa hình ảnh TP.HCM đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.

Thứ tám, công tác đối ngoại nhân dân cũng tiếp tục được chú trọng với các chương trình phục vụ kiều bào. Ngoài ra, năm 2024 có 96 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động tại TP.HCM.

Thứ chín, hợp tác với các địa phương trọng điểm như hợp tác du lịch với tỉnh Aichi (Nhật Bản), thúc đẩy hợp tác giao thông, thương mại với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), hợp tác trong lĩnh vực chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý cảng biển với Rotterdam (Hà Lan).

Thứ mười, các cơ quan đại diện ngoại giao, các Tổng lãnh sự quán, văn phòng kinh tế - thương mại - văn hóa, tổ chức quốc tế trên địa bàn có nhiều hoạt động sôi nổi, như Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10, Tuần lễ hội Indonesia - Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.