10 dự báo thị trường lao động việc làm năm 2022: Xu hướng phi chính thức gia tăng

03/01/2022 16:43 GMT+7

Những đô thị lớn như TP.HCM sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức (tức làm việc không có giao kết hợp đồng lao động) gia tăng; lao động trên nền tảng chia sẻ (như tài xế công nghệ , giao hàng...) chuyển sang hướng chính thức.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife). Ngày 3.1.2022, PV Thanh Niên đã có buổi trao đổi với ông về những dự báo xu hướng thị trường lao động, việc làm trong năm 2022:

1. Doanh nghiệp chuyển sang thuê khoán dịch vụ, trả lương theo sản phẩm

Doanh nghiệp có xu hướng hoặc đầu tư máy móc tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm, không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc đánh giá, xu hướng nền kinh tế hậu tiền lương này được mở rộng và là tất yếu. Một, vì doanh nghiệp ngày càng muốn tối ưu hóa hoạt động sản xuất dịch vụ, trong khi đó, bối cảnh dịch Covid-19 là một "chất xúc tác" khiến xu hướng này đi nhanh hơn; Hai, người lao động có tay nghề ngày càng có xu hướng làm việc từ xa, làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm một công việc duy nhất.

2. Lao động giản đơn trở nên yếu thế nhất

Xu hướng trả lương mới quy trách nhiệm cho người lao động, đồng thời, có khả năng biến thành "cuộc đua tranh" về sản phẩm, rất dễ đào thải những lao động lớn tuổi.

Lao động giản đơn (lao động không đòi hỏi phải đào tạo về chuyên môn) không có nhiều lựa chọn và có thể bị ép vào cuộc chơi này, làm nhiều hơn để có tiền sống (làm nhiều hơn để mua sự an sinh).

Công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam (Q.12) ngừng việc vì không đồng tình hình thức trả lương mới vào ngày 25.12.2021

T.l

Về quan hệ lao động, thời gian ban đầu, có thể sẽ diễn ra nhiều xung đột giữa người lao động và doanh nghiệp, dễ thấy gần đây nhất là những vụ công nhân ngừng việc tập thể liên quan thay đổi hình thức trả lương.

3. Xu hướng "phi chính thức" lao động gia tăng

Những đô thị lớn như TP.HCM sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức (tức làm việc không có giao kết hợp đồng lao động) gia tăng. Nguyên do tương tự nêu trên, xuất phát từ hai phía doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi nhuận hơn; còn người lao động ngày càng thích tự chủ, linh hoạt (có thể làm nhiều việc), ít áp lực...

Xu hướng lao động phi chính thức gia tăng

BÍCH NGÂN

4. Lao động trên nền tảng chia sẻ có thể trở nên chính thức

Tuy nhiên, hướng ngược lại, lao động trên nền tảng chia sẻ (như tài xế công nghệ, giao hàng... trên các ứng dụng kỹ thuật số trung gian vốn chưa rõ ràng trong việc định danh mối quan hệ lao động - PV) rất có thể chuyển sang hướng chính thức. Bởi lẽ, rất nhiều tài xế coi đây là một ngành nghề chính thức, nên trong tương lai, có thể có nhiều thay đổi, bổ sung liên quan đến "danh phận" của nhóm này trong vận động chính sách.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife)

ẢNH DO NVCC

5. Chi phí tiêu dùng có thể sẽ tăng cao

Lao động di cư trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Trong trường hợp lao động di cư trở lại dè dặt, chi phí tiêu dùng sẽ bị đẩy lên (như ở phân khúc chuỗi dịch vụ phụ trợ, logistics) vì thị trường thiếu lao động phi chính thức, khan hiếm lao động chân tay.

Đơn cử, nếu một công ty cần vận chuyển thông thường sẽ thuê mướn lao động phi chính thức để có giá rẻ hơn, tuy nhiên nếu thiếu vắng nhóm này, họ buộc phải thuê nhân công khác/đơn vị khác và gia tăng chi phí tiêu dùng sản phẩm. Trước đây, thị trường tiêu dùng tương đối bình ổn vì có sự tham gia của lao động phi chính thức.

6. Chuyển dịch nghề nghiệp gắn liền với các kỹ năng mềm về "visual"

Với xu hướng làm việc từ xa, một số ngành nghề thu hẹp và được máy móc thay thế, nhất là đối với khối văn phòng, hành chính, kế toán... Đồng thời, với khối văn phòng, đòi hỏi nhân viên đều phải sử dụng nền tảng số để xử lý công việc.

Xu hướng này, cùng với việc con người ngày càng tương tác trên không gian mạng nhiều hơn, cũng là cơ hội, kích thích ngành nghề sáng tạo, kỹ năng gắn với công nghệ, tư duy sáng tạo, các kỹ năng mềm về "visual" (trực quan) như thiết kế, marketing... Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi mức độ, thời gian làm việc chính xác và trách nhiệm cao hơn...

Một số lĩnh vực hiện hữu như xuất bản sẽ có xu hướng “độc đáo” hóa, làm ra các sản phẩm xa xỉ, hàng chất lượng, “handmade” nhiều hơn.

Trong khối ngành nông nghiệp, có thể thấy nhiều hơn mô hình nông nghiệp gắn liền với nghỉ dưỡng, có cung cấp dịch vụ thụ hưởng cho những người khác.

7. Xu hướng tổ chức đại diện cho người lao động theo ngành nghề

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho hay, việc đại diện cho người lao động không phải dễ dàng. Tương lai, có thể chứng kiến những xu hướng nghiệp đoàn nhỏ, có tổ chức đại diện nhưng sẽ là cho nhóm ngành nghề hơn là đại diện tại doanh nghiệp.

Trước mắt, có hai hình thức là theo đại diện theo ngành nghề và nhóm tự lập, tự quản để giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, vấn đề nhỏ lẻ.

8. Mô hình nhà nước phúc lợi bị thách thức

Nêu ra hai mô hình về phúc lợi xã hội (những chi phí xã hội như lương hưu, bảo hiểm xã hội, y tế... - PV) gồm nhà nước phúc lợi và thị trường/dịch vụ phúc lợi, PSG-TS Nguyễn Đức Lộc nhận định, mô hình thị trường/dịch vụ phúc lợi sẽ nổi trội, gia tăng; trong khi đó mô hình nhà nước phúc lợi bị thách thức khi đi kèm xu hướng "phi chính thức" hóa, tỷ lệ người mất việc hoặc chuyển sang làm dịch vụ ngày càng cao.

Người lao động có thể rút ra khỏi hệ thống nhà nước phúc lợi để theo hướng làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu và tự trả tiền cho các dịch vụ về y tế, sức khỏe...

9. Thách thức nhất vẫn là "hiểu được" lao động di cư

Gói hỗ trợ Covid-19 khẩn cấp thời gian qua khi thực hiện cho thấy nhiều lúng túng, đồng thời nó cũng cho ra những bài học kinh nghiệm về cách thức tổ chức.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là phải hiểu lao động di cư. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nhận định, lao động di cư thường âm thầm làm việc, có hướng né tránh những gì gọi là “chính thức”. Họ dễ bị tổn thương nhiều mặt, chỉ còn lại tên mình, nhưng ví dụ như khai báo tên, làm thẻ ngân hàng..., họ vẫn sợ bị lừa, gặp phiền phức... Nhà nước cần thực hành cho lao động di cư, để họ an tâm, tránh những lúng túng bị lặp lại. Các chính sách đưa ra cần hiểu sâu về lao động di cư, bằng không sẽ khó "gặp gỡ" nhau.

10. Hệ thống an sinh xã hội cho lao động phi chính thức

Việc xây dựng một hệ thống quỹ an sinh xã hội dành cho lao động phi chính thức là giải pháp được thực hiện trong thời gian tới, để họ có thể tham gia vào, giảm rủi ro như thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, mô hình này còn gặp nhiều thách thức, bởi người lao động chân tay, thu nhập rất ít nên họ có xu hướng không muốn chi những khoản tiền này, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào an sinh xã hội tự nhiên như trong gia đình, con cái sẽ lo cho bố mẹ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.