Trong khi các yếu tố khác như cân nặng, di truyền, căng thẳng và mức độ hoạt động đóng vai trò quyết định lượng đường trong máu, thì việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và nghiêm ngặt là điều bắt buộc để kiểm soát lượng đường trong máu.
Trong thiên nhiên có rất nhiều loại thực phẩm có thể làm giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên.
Dưới đây là 10 loại thực phẩm trong số đó. Nên nhớ rằng những thực phẩm này không được coi là thay thế thuốc trị bệnh, theo Times of India.
1. Bí ngô và hạt bí ngô
Ở các nước như Iran và Mexico, bí ngô và hạt bí ngô được sử dụng như một phương thuốc truyền thống chữa bệnh tiểu đường. Bí ngô và hạt của nó rất tốt cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu vì chúng chứa đầy chất xơ và chất chống ô xy hóa.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecules, bột và chiết xuất từ bí ngô có thể làm giảm lượng đường trong máu ở cả động vật và người một cách hiệu quả.
2. Hải sản
Hải sản như động vật có vỏ và cá chứa nhiều protein, chất chống ô xy hóa, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất. Hàm lượng chất chống ô xy hóa cao trong hải sản, đặc biệt là các loại cá béo như cá mòi và cá hồi, có thể đóng một vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Hải sản không chỉ làm chậm quá trình tiêu hóa mà còn kiểm soát lượng đường tăng đột biến sau bữa ăn. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy quá trình giảm cân bằng cách ngăn bạn ăn quá nhiều, theo Times of India.
3. Các loại bơ hạt và hạt
Các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng và bơ được làm từ các loại hạt có thể đóng một vai trò đáng kể trong việc làm giảm lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecules cho thấy việc tiêu thụ bơ hạt hạnh nhân và đậu phộng hoặc hạt suốt cả ngày làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những người tiểu đường loại 2.
4. Bông cải xanh
|
Bông cải xanh có chứa một hợp chất thực vật gọi là sulforaphane, được tạo ra khi nó được nhai hoặc cắt nhỏ. Hợp chất này có đặc tính làm giảm lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy bông cải xanh giàu sulforaphane có tác dụng chống tiểu đường đáng kể. Nó làm giảm lượng đường trong máu, căng thẳng ô xy hóa và tăng độ nhạy insulin.
5. Đậu bắp
Đậu bắp rất giàu các hợp chất làm giảm lượng đường trong máu như flavonoid và polysaccharid. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hạt đậu bắp được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường, theo Times of India.
Đậu bắp chứa nhiều hợp chất có tác động chống tiểu đường mạnh mẽ và có thể làm giảm lượng đường trong máu hiệu quả.
6. Đậu lăng và đậu
Đậu lăng và đậu chứa đầy chất dinh dưỡng không chỉ giúp bạn khỏe mạnh mà còn tích cực làm giảm lượng đường trong máu. Chúng chứa nhiều tinh bột kháng và chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn lượng đường trong máu dao động.
Thêm đậu xanh hoặc đậu đen vào cơm sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn so với chỉ ăn cơm.
7. Hạt lanh
Hạt lanh chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như chất béo lành mạnh và chất xơ. Hạt lanh cũng giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Nutrition Research cho thấy những người ăn 30 gram hạt lanh mỗi ngày có lượng đường trong máu tốt hơn so với những người ăn sữa chua thông thường, theo Times of India.
8. Trứng
Trứng rất giàu chất béo lành mạnh, protein, vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa. Nghiên cứu cũng cho thấy trứng có thể kiểm soát được lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food & Function cho rằng ăn một quả trứng mỗi ngày giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin khi so sánh với các sản phẩm thay thế trứng, theo Times of India.
9. Yến mạch
Yến mạch và cám yến mạch đều là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tuyệt vời, có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc giảm lượng đường trong máu.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, người ta thấy rằng ăn yến mạch thường xuyên giúp kiểm soát lượng đường huyết lúc đói ở những người tiểu đường loại 2. Ăn 27 gram cám yến mạch với nước trước khi ăn bánh mì trắng cũng có liên quan đến việc giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn.
10. Hạt Chia
Tiêu thụ hạt Chia thường xuyên cũng có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và giúp cải thiện độ nhạy insulin.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy hạt Chia có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường độ nhạy insulin, theo Times of India.
Bình luận (0)