10 năm đề án hạn chế xe cá nhân: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang bị 'ô tô hóa'

29/01/2021 10:28 GMT+7

“Hạn chế xe cá nhân” như từ huý mà các cơ quan có trách nhiệm triển khai luôn e ngại phản ứng dư luận xã hội. Kết quả, trong khi nhiều nước đã hạn chế xe máy, thu phí ô tô thì Việt Nam vẫn luẩn quẩn.

Quá trình “ô tô hoá” đang diễn ra nhanh chóng

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trong khi xe máy đăng ký mới có chiều hướng chững lại, thì tốc độ gia tăng phương tiện ô tô tại cả Hà Nội, TP.HCM đều ở mức rất cao. Năm 2015, TP.HCM có tổng cộng 7,2 triệu xe đăng ký, trong đó xe máy hơn 6,7 triệu chiếc và hơn 500.000 ô tô, chưa tính xe đăng ký từ địa phương khác của nhiều người ngoại tỉnh làm ăn sinh sống tại TP.HCM khoảng 1 triệu xe. Tới năm 2020, TP.HCM có khoảng 9 triệu xe, trong đó có hơn 800.000 xe ô tô và hơn 8,2 triệu xe mô tô, xe máy.
Tương tự, theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, cuối năm 2008, Hà Nội mới có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185.000 ô tô, song tới năm 2017 con số trên đã là 6 triệu xe, tăng gần gấp 3 lần, trong đó ô tô tăng lên hơn 540.000 xe, xe máy 5,4 triệu xe. Tính đến năm 2020, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 5,7 triệu xe máy và gần 700.000 ô tô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội.
Đáng nói, dù giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tỷ lệ sở hữu ô tô ở mức thấp, song nhiều dự báo cho thấy ô tô có thể bùng nổ trong vài năm tới. Một dự báo của Bộ Công thương cho biết, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ vào năm 2025, khi mức thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD, lượng tiêu thụ xe trong nước có thể lên tới 600.000 xe/năm.
Theo các chuyên gia, sở hữu xe ô tô là khao khát chính đáng của người dân, song ở chiều ngược lại, sự gia tăng nhanh về số lượng ô tô cộng thêm hàng triệu chiếc xe máy sẽ là gánh nặng rất lớn cho hệ thống hạ tầng đường xá vốn mở rộng rất chậm tại Hà Nội, TP.HCM.
TS Phan Lê Bình, Trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội), từng lưu ý nguy cơ của quá trình “ô tô hóa” đang diễn ra nhanh do giá ô tô giảm, sẽ làm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không có các biện pháp thích hợp, chỉ trong 5 năm nữa, Hà Nội sẽ rơi vào ùn tắc mãn tính, mà nguyên nhân chính là quá trình ô tô hóa.

Việc hạn chế xe cá nhân cần sớm thực hiện không chỉ để giảm ùn tắc, mà còn cải thiện chất lượng môi trường

Ảnh Phạm Hùng

2 tranh cãi quanh cấm xe cá nhân

Theo Nghị quyết 04/2017/HĐND-TP của HĐND TP.Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc ô nhiễm, Hà Nội đã đưa ra lộ trình phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Để làm được điều này, giai đoạn 2017-2020, TP sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có điều tra rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng, đề ra tiêu chuẩn khí thải để kiểm soát chất lượng xe máy. Với ô tô, sẽ phải đề xuất quy định lắp các thiết bị thu phí tự động trên ô tô, chuẩn bị cho lộ trình trả phí vào các quận nội thành. Tuy nhiên, các giải pháp này tới nay vẫn chưa thực hiện.
Cho tới nay, các ý kiến tranh cãi quanh việc hạn chế xe cá nhân tập trung chủ yếu ở 2 vấn đề: Thứ nhất, với xe máy, đa số ý kiến phản đối cho rằng xe máy là phương tiện sinh sống của nhiều người dân, nếu cấm xe máy vào nội thành sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của bộ phận người dân. Thứ 2, việc cấm xe máy hay thu phí ô tô theo khu vực chỉ được thực hiện khi VTHKCC (xe buýt, metro) đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trên thực tế, phản ứng khá dữ dội từ phía dư luận là rào cản lớn nhất khiến các cơ quan tham mưu, đề xuất hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM trước đây đều chùn tay.
Theo TS Đinh Thị Thanh Bình (ĐH GTVT Hà Nội), về lý thuyết, thời điểm hạn chế xe cá nhân phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng VTHKCC của TP. Các nghiên cứu cho thấy, khi VTCC đạt được 50 - 60% nhu cầu đi lại, chính quyền mới có thể hạn chế xe cá nhân. Song hiện tại xe buýt mới đáp ứng chưa đầy 10%, trong khi các tuyến metro của Hà Nội lại đang có tốc độ xây dựng rất chậm chạp. Vì thế, theo bà Bình, nếu không có sự quyết tâm cao nhất từ chính quyền TP, song song các biện pháp quyết liệt để kêu gọi vốn, đốc thúc tiến độ các tuyến VTCC khối lượng lớn như metro và gia tăng thị phần cho xe buýt, thì lộ trình cấm xe máy có thể sẽ phải kéo dài tới 20 - 30 năm.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.