10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn chưa lời giải

08/03/2024 06:00 GMT+7

Ngày 8.3.2014, chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (chuyến bay MH370) biến mất không dấu vết, trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không.

Điều gì đã xảy ra?

Chuyến bay MH370 cất cánh vào lúc 0 giờ 41 ngày 8.3.2014 từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người trên máy bay, gồm phi hành đoàn 12 người và 227 hành khách, hầu hết là người Trung Quốc và Malaysia. Khoảng 40 phút sau, phi công nhận hướng dẫn từ nhân viên kiểm soát không lưu từ Kuala Lumpur về việc chuyển tiếp không phận.

"Chúc ngủ ngon. Malaysia 370" là lời nhắn cuối cùng từ chiếc máy bay về Kuala Lumpur trước khi biến mất. Bộ phát tín hiệu vị trí của máy bay ngừng hoạt động vài phút sau đó. Radar quân sự phát hiện chiếc máy bay, thay vì hướng lên phía bắc, đã quay vòng lại ra biển Andaman. Dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc Boeing tiếp tục bay trong vài giờ, có thể cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu. Theo phỏng đoán, máy bay có thể đã rơi xuống một vùng xa xôi ở phía nam Ấn Độ Dương.

10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn chưa lời giải- Ảnh 1.

Sự kiện tưởng nhớ do người thân những người trên máy bay MH370 tổ chức tại Subang Jaya (Malaysia) hôm 3.3.2024

Reuters

Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn được triển khai với sự tham gia của nhiều nước. Tuy nhiên, sau 1.046 ngày dò tìm trên khu vực rộng lớn, chiến dịch đã bị dừng lại. Đến đầu năm 2018, chính phủ Malaysia thỏa thuận với Công ty Ocean Infinity của Mỹ về việc tìm kiếm với điều kiện không tìm thấy thì không nhận tiền. Tuy nhiên, chiến dịch kết thúc trong thất bại vài tháng sau đó. Đầu tuần này, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố sẵn sàng mở lại cuộc điều tra nếu có bằng chứng thuyết phục, trong khi Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke nói sẽ gặp đại diện Ocean Infinity để bàn về khả năng trên, theo AFP.

Máy bay MH370 mất tích: Sẽ mở lại tìm kiếm?

Vô vàn giả thuyết

Đến nay, chưa có thi thể nào cũng như phần thân chính của máy bay được tìm thấy, ngoại trừ một vài mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển phía đông châu Phi và các hòn đảo tại Ấn Độ Dương. Hàng loạt giả thuyết được đặt ra như máy bay bị không tặc kiểm soát hay trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, không hề có cuộc gọi khẩn cấp nào, cũng không có yêu cầu đòi tiền chuộc nào được đưa ra. Trong báo cáo năm 2018, các nhà điều tra Malaysia bác bỏ mọi giả thuyết nói trên nhưng không loại trừ khả năng có "sự can thiệp trái phép". Họ cho rằng có ai đó đã cố tình ngắt liên lạc với mặt đất và hành trình bay bị thay đổi do con người, không phải do chế độ lái tự động.

Sau 10 năm, những bí ẩn vẫn như cũ. Nổi bật trong số đó là vì sao máy bay chuyển hướng về Ấn Độ Dương và vì sao hai thiết bị liên lạc và định vị trên máy bay mất tín hiệu. Những nghi ngờ đã hướng về phía cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (khi đó 53 tuổi) và cơ phó Fariq Abdul Hamid (khi đó 27 tuổi). Tất cả thông tin về họ được xem xét nhưng không có gì bất thường. Giả thuyết về "sự nổi loạn" của phi công không được giới chuyên gia hàng không tán thành bằng khả năng máy bay gặp sự cố như cháy hoặc mất áp suất, buộc phi công phải quay lại Malaysia. Trong tình huống đó, khói có thể đã tràn ngập trong buồng lái hoặc thiếu ô xy, khiến phi công vô tình tắt thiết bị liên lạc. Diễn biến tiếp theo có thể là máy bay rơi vào tình trạng "chuyến bay ma", khi những người bên trên không còn tỉnh nhưng máy bay tiếp tục hành trình theo chế độ bay tự động.

10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn chưa lời giải- Ảnh 2.

Nỗi đau của người ở lại

10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn chưa lời giải- Ảnh 3.

Các mảnh vỡ máy bay được cho là của chiếc MH370 được trưng bày ngày 3.3.2024 tại Subang Jaya (Malaysia)

Reuters

Mười năm trôi qua, người thân của những người mất tích vẫn mòn mỏi chờ một lời xác nhận và cả sự giải oan. Ông Fuad Sharuji, Giám đốc khủng hoảng của Malaysia Airlines vào thời điểm máy bay mất tích, cho biết gia đình ông Zaharie đã bị cô lập bởi những thuyết âm mưu liên quan vị cơ trưởng. "Thật sự khó khăn cho họ khi phải trốn tránh giới truyền thông trong lúc không thể chấp nhận những cáo buộc. Họ đang cố hết sức để khôi phục cuộc sống", ông Sharuji nói với tờ The Guardian. Ông Ghouse Mohd Noor, một người bạn của ông Zaharie, nói rằng gia đình cơ trưởng vẫn mong mỏi lời giải thích cho điều đã xảy ra. "Vợ con ông ấy vẫn không bị ảnh hưởng, nhưng mọi người cần một kết luận. Tôi ngày đêm cầu nguyện cho chiếc máy bay được tìm thấy và ủng hộ mọi nỗ lực được đưa ra", ông Ghouse nói.

Bà Jacquita Gomes, có chồng là tiếp viên trên chuyến bay định mệnh, nói rằng 126 cuốn sách đã được viết và nhiều bộ phim tài liệu được thực hiện về MH370 nhưng hầu hết chỉ là phỏng đoán mà không có câu trả lời thật sự. "Chúng tôi lưu giữ những kỷ niệm về anh ấy. Anh ấy có thể ra đi nhưng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Xin đừng quên tất cả những người trên máy bay", người phụ nữ chia sẻ và kêu gọi tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Ký ức tìm kiếm MH370 tròn 10 năm trước

Ngày này đúng 10 năm trước, sự kiện MH370 mất tích đã được các lực lượng VN (không quân, cứu hộ cứu nạn, hàng không, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn…) tiếp cận với tinh thần nhanh chóng, hỗ trợ ứng cứu, triển khai rộng khắp từ Hà Nội đến tận Cà Mau.

14 giờ 30 ngày 8.3.2014, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cho 2 chuyến bay tìm kiếm bằng trực thăng Mi171(sân bay Cần Thơ) và AN26 của Trung đoàn 918 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Trả lời Thanh Niên khi đó, chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân Vùng 5, cho biết lực lượng có thông tin vị trí gặp nạn cách đảo Thổ Chu 150 hải lý. Khi đó Hải quân Vùng 5 cho 2 tàu xuất phát, gồm 1 tàu vận tải và 1 tàu chuyên cứu nạn cứu hộ. Phòng cứu hộ, cứu nạn Quân khu 9 cũng thông báo khẩn qua điện thoại cho Bộ Chỉ huy quân sự 12 tỉnh thành trực thuộc quân khu để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn.

Một mũi khác, PV Thanh Niên cũng có mặt trên tàu Sar 413 của Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 3 từ Vũng Tàu xuất phát tham gia tìm kiếm cứu nạn. Trên tấm bảng thông báo của Trung tâm ngày đó vẫn có lời dặn dò cho ngày lễ 8.3, nhưng buổi lễ chưa kịp trọn vẹn đã kết thúc vì cả trung tâm chạy đua cứu hộ cứu nạn MH370.

Nhiều ngày liền các cán bộ ở Trung tâm chỉ huy Ủy ban Quốc gia (26 Hoàng Diệu, Hà Nội) thức trắng đêm để tìm kiếm cứu nạn chuyến bay nói trên. VN còn lập sở chỉ huy tìm kiếm đặc biệt tại Phú Quốc. Khi đó VN có 21 máy bay, 39 tàu tham gia tìm máy bay mất tích. Thủy phi cơ, máy bay viễn thám, tàu chuyên dụng nghiên cứu biển có thiết bị tìm quét tín hiệu dưới mặt nước, máy bay cảnh sát biển cũng đã được điều động đến khu vực nghi vấn máy bay MH370 bị mất liên lạc để tìm kiếm.

Ngoài ra, VN cũng đón các đoàn Malaysia, Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Singapore đăng ký vào VN với máy bay, tàu đi vào vùng biển, không phận của VN để triển khai các biện pháp tìm kiếm tung tích chiếc máy bay MH370.

T.T

10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn chưa lời giải- Ảnh 4.

Bên trong chiếc máy bay AN26 - 261 đang bay tìm kiếm MH370, ngày 9.3.2014

Độc Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.