Cuộc chiến với virus Corona ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa bắt đầu từ ngày 24.1, khi nữ bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ngụ tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa) trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập viện với các triệu chứng sốt cao, ho, tức ngực.
Do không có thuốc đặc trị, nên việc điều trị cho bệnh nhân T. được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa thực hiện nghiêm ngặt theo phác đồ của Bộ Y tế trong lo lắng.
|
10 ngày trong phòng cách ly, không giây phút nào các y bác sĩ rời mắt khỏi bệnh nhân T. nhằm theo dõi sát các biểu hiện, triệu chứng để kịp thời có phương pháp điều trị. May thay, sức khỏe bệnh nhân T. ngày càng tiến triển tốt. Các cơn sốt dần chấm dứt, ho và tức ngực cũng không còn.
Đến sáng ngày 3.2, kết quả xét nghiệm (lần 2) kết luận bệnh nhân T. đã âm tính với virus Corona. Một điều mà không ai tiên lượng trước được, vì đây là chủng virus mới, chưa từng có một đánh giá, hay tài liệu khoa học nào để làm cơ sở kết luận tình trạng bệnh nhân.
|
Vậy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm gì, các y bác sĩ của bệnh viện đã làm gì trong 10 ngày qua để bệnh nhân T. cho kết quả âm tính với chủng mới của virus Corona và được xuất viện?
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết thành công của việc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân dương tính với virus Corona chính là phát hiện, cách ly kịp thời, theo dõi chặt chẽ để can thiệp đúng mức, và bệnh nhân có thể trạng tốt.
|
“Chúng tôi đánh giá và cho rằng, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời. Đồng thời, tùy theo cá thể hóa của người bệnh để có những tác động điều trị, có can thiệp đúng mức diễn biến của bệnh. Chúng tôi đã theo dõi bệnh nhân từng giây, từng phút, để nếu có biến chứng nào xảy ra, thì có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dẫn đến bệnh nhân tình trạng nặng hơn, và có thể dẫn đến tử vong”, ông Sỹ nói và cho hay, bệnh viện này đã dùng biện pháp điều trị theo từng triệu chứng của bệnh, không để các triệu chứng nặng lên.
“Trong 10 ngày đó, khi bệnh nhân sốt thì chúng tôi điều trị để hạ sốt như thông thường. Còn bệnh nhân khi bị ho long đờm hoặc thậm chí có nguy cơ bội nhiễm thì dùng kháng sinh. Đồng thời, chúng tôi luôn đảm bảo nước điện giải cho bệnh nhân; đảm bảo ăn uống cho bệnh nhân để nâng cao sức đề kháng”, ông Sỹ cho biết thêm.
|
Sau khi cho bệnh nhân T. xuất viện, các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã dặn dò, và khuyến cáo đối với bệnh nhân cũng như người dân, nên đeo khẩu trang liên tục có thể; tránh nơi đông người. Và khi có dấu hiệu ho, sốt, tức ngực thì nên đến ngay cơ sở y tế để khám và khai báo. Đặc biệt là những người trước đó từ vùng dịch về, hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm virus, hoặc nghi nhiễm virus Corona.
Chia sẻ niềm vui khi biết mình đã âm tính với virus Corona và được xuất viện, chị T. bày tỏ lời cảm ơn đến các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, những ngày qua đã tận tình chăm sóc, và chữa trị để chị hồi phục sức khỏe.
“Tôi rất vui khi biết mình âm tính với virus Corona, và khỏi các triệu chứng bệnh để về nhà. Nhờ có các bác sĩ chăm sóc tốt hằng ngày, nên mới có kết quả tốt đẹp như vậy”, chị T. nói.
|
Chị T. cũng cho hay, trong thời gian ở bệnh viện, có rất nhiều bạn bè, người thân nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, đồng thời chị cũng nghe có nhiều thông tin về sự nguy hiểm của virus Corona, khiến chị rất hoang mang, lo sợ.
Nhưng sau khi được ra viện, chị cho rằng, người dân cần bình tĩnh không nên quá hoang mang. Khi có các triệu chứng của bệnh cúm, hoặc bệnh về đường hô hấp thì đến cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc. Đồng thời thực hiện việc phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh khi sinh hoạt ngoài cộng đồng.
Được biết, toàn bộ chi phí chữa trị của chị T. đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa miễn giảm.
Bình luận (0)