10 nhóm bệnh tật dễ phát sinh nếu phải ngồi nhiều

20/06/2023 18:47 GMT+7

Ngồi quá nhiều có thể gây bệnh tật toàn diện từ tim mạch, khớp, trí nhớ, thần kinh... đến cả tâm thần, bệnh chuyển hóa (tiểu đường) và cả nguy cơ ung thư.

Theo Viện Y học ứng dụng (Tổng hội Y học Việt Nam), ngồi quá nhiều gây tác hại tới sức khỏe, giảm tuổi thọ do dễ gây tổn thương từ tim mạch, khớp, trí nhớ, thần kinh đến bệnh chuyển hóa (đái tháo đường) và cả nguy cơ ung thư.

10 nhóm bệnh tật dễ phát sinh nếu phải ngồi nhiều - Ảnh 1.

Ngồi nhiều trong thời gian dài dễ gây bệnh tật

VIỆN Y HỌC ỨNG DỤNG

Về cơ chế gây hại với xương khớp do ngồi nhiều, chuyên gia của Bệnh viện Medlatec giải thích, một trong những tác hại của việc ngồi nhiều đó là nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương khớp cao hơn. Có thể kể đến như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống. Nguyên nhân chính là do khi ngồi trong thời gian dài, cột sống, cổ, lưng sẽ chịu áp lực lớn đến từ trọng lượng cơ thể. Từ đó dễ gây ra các triệu chứng như đau lưng, mỏi lưng, chuột rút, mỏi cơ bả vai, gáy,...

Bên cạnh đó, các vùng đốt sống khi bị tỳ ép nhiều cũng sẽ khiến đĩa đệm bị phù nề. Tình trạng kéo dài khiến các rễ thần kinh bị xơ hóa hoặc chèn ép và gây đau thần kinh tọa. Các cơn đau thường đau lan từ một bên, từ mông xuống cẳng chân.

"Với trẻ nhỏ, ngồi nhiều, sai tư thế lâu ngày có thể gây cong vẹo cột sống. Cong vẹo lâu ngày gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây suy hô hấp", PGS-TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lưu ý.

Người phải ngồi nhiều còn có nguy cơ mắc chứng nghẽn mạch cao hơn bình thường. Tác hại của ngồi nhiều này xảy ra do việc ngồi lâu khiến các cục máu đông và khối huyết mạch có điều kiện hình thành tại chân. Bệnh lý sẽ nghiêm trọng hơn nếu các cục máu đông này xuất hiện và bị vỡ tại phổi.

Theo Bệnh viện Medlatec, ngoài ra, người thường xuyên ngồi nhiều có nguy cơ mắc các bệnh về tiết niệu cao hơn bình thường; nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Nguyên nhân chính là ngồi một chỗ quá lâu khiến cơ thể kém vận động, máu lưu thông kém trong cơ thể cùng với sự ứ đọng nước tiểu khiến bàng quang tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng, chia sẻ để cải thiện sức khỏe khi phải ngồi nhiều, cần vận động nhiều hơn trong ngày, không ngồi một chỗ khi làm việc, học tập, nói chuyện...

Đứng lên và vươn vai sau mỗi nửa giờ, chạm vào những ngón chân của bạn; đi dạo quanh phòng làm việc. Nên đứng thay vì ngồi tại bàn làm việc, bàn học một vài lúc trong ngày. Tập một vài động tác đơn giản khi nghỉ giải lao

10 nhóm bệnh dễ gặp khi ngồi nhiều, kéo dài:

Suy giảm trí nhớ, giảm hiệu quả tập luyện, tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tổn thương tim, huyết khối tĩnh mạch sâu, dễ bị tăng cân, tạo cảm giác lo lắng, gây đau lưng, mất khả năng di chuyển, tăng nguy cơ ung thư.

Nguồn: Viện Y học ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.