(TNO) Tuần qua, các chuyên gia thế giới trình làng những phát minh công nghệ đặc sắc, từ nhựa tự vá, khóa súng sinh trắc học đến nông trại thẳng đứng.
1. Rô bốt Tabbot
Lấy cảm hứng từ nhện sa mạc ở Ma Rốc, có tên khoa học là Cebrennus rechenbergi, giáo sư Ingo Rechenberg của Đại học Công nghệ Berlin (Đức) đã chế tạo một loại rô bốt nhào lộn.
Rô bốt có tên Tabbot, với “Tabacha” có nghĩa là “nhện” theo ngôn ngữ Berber (thổ dân Bắc Phi), bắt chước khả năng di chuyển của loài nhện trên.
“Rô bốt mới có thể được dùng cho mục đích nông nghiệp, trên thềm biển hoặc thậm chí trên bề mặt sao Hỏa”, theo chuyên gia Rechenberg.
|
2. Bọ cánh cứng cơ khí hóa
Bằng cách kết hợp graphene với ống nano carbon, các nhà khoa học có thể tạo ra những cảm biến siêu nhỏ và dẻo dai, dùng để gắn lên đủ loại bề mặt, từ bọ cánh cứng đến lá cây.
Những cảm biến nhạy cảm này có thể đảm đương vai trò thu thập dữ liệu môi trường, từ các hệ sinh thái đến những hạt nhỏ nguy hiểm di chuyển trong không khí như chất độc thần kinh.
|
3. Nhựa tự vá
Dựa trên cơ chế vết thương tự lành, các nhà khoa học của Đại học Illinois (Mỹ) đã phát minh một dạng nhựa mới có thể tự vá, bằng cách rỉ ra chất lỏng gia cố lại vết nứt.
Kỹ thuật này có thể được sử dụng để tự động vá thân tàu hoặc khung xe ô tô và máy bay.
|
4. Dải vũ trụ thu nhỏ
Các nhà khoa học đã bắt tay với họa sĩ để tạo ra tác phẩm siêu nhỏ trên sợi tóc người. Theo đó, họ đã sử dụng một chùm tia hội tụ để khắc lên thân sợi tóc hình ảnh dải vũ trụ nhỏ nhất thế giới.
Tác phẩm trên đã được họa sĩ Đức Claudia Puhlfurst trình làng trong một hội nghị mới đây tại Hamburg.
|
5. Khóa súng sinh trắc học
Kỹ sư Omer Kiyani người Mỹ đã phát minh ra khóa Indentilock, tức thiết bị sinh trắc học được gắn vào cò súng, và chỉ có dấu vân tay của chủ nhân đích thực ấn vào mới mở khóa cò súng.
Thiết bị này phát sáng trong bóng tối và cho phép mở khóa trong tích tắc, ngăn chặn được tình trạng cướp cò.
|
6. Tàu cao tốc siêu đệm từ
Châu Á nổi tiếng với các đoàn tàu cao tốc di chuyển với tốc độ hơn 480 km/giờ. Giờ đây, các chuyên gia Trung Quốc đang nghiên cứu phiên bản tàu đệm từ nhiệt độ cao, gọi là Siêu đệm từ.
Trong các cuộc thử nghiệm tại Đại học Giao thông Tây Nam, một đường ray khép kín đã chứng tỏ khả năng giảm được ma sát không khí và đảm bảo nhiệt độ hợp lý cho đường ray. Từ đó, toa xe có thể tăng lên tốc độ hơn 960 km/giờ.
|
7. Rò rỉ thông tin về iPhone 6
Những hình ảnh đăng trên website Macitynet.it của Ý đã cho thấy một điện thoại nhiều khả năng là iPhone 6 được đặt kế iPhone 5.
Phiên bản mới dường như lớn hơn và mỏng hơn dòng iPhone hiện lưu hành, với nút nguồn được đặt bên hông thay vì ở mặt trước của “dế”.
|
8. Nông trại chuồn chuồn thẳng đứng
Làm nông ở đô thị là ý tưởng đang ngày càng nhận được sự ủng hộ. Về vấn đề này, kỹ sư người Bỉ Vincent Callebaut đã đưa ra khái niệm nông trại thẳng đứng cho đảo Roosevelt ở New York, Mỹ.
Nông trại mang tên “chuồn chuồn” được thiết kế để dựng thẳng trên bề mặt 132 tòa nhà và tập hợp 28 khu ruộng khác nhau, từ rau quả, trái cây, ngũ cốc đến nuôi gia súc. Lấy năng lượng từ mặt trời và gió, toàn bộ cấu trúc có thể tự hoạt động 100% mà không cần nguồn năng lượng nào khác.
|
9. Trang trại trong nhà
Cũng theo ý tưởng làm nông như trên, làm vườn nơi đô thị đang trở thành xu hướng mới. Trạng trại trong nhà như hình là kết quả hợp tác giữa hãng điện tử Philips và Green Sense Farms, trụ sở tại Chicago, Mỹ.
Sử dụng đèn chiếu sáng LED của Philips, trang trại này dự kiến có thể cho phép thu hoạch lượng hoa màu gấp từ 20 đến 25 lần so với cây trồng ngoài trời trên diện tích tương tự.
|
10. Đường quang năng
Đường quang năng là dự án của hai công dân Mỹ vốn ôm tham vọng thay đổi khái niệm đường sá lâu nay. Theo khái niệm mới, các con đường và bãi đậu xe được lát các bảng điện mặt trời, thu thập ánh sáng mặt trời để tạo thành dòng điện.
Được làm bằng thủy tinh đặc chế, các bảng điện mặt trời hình lục giác đủ chắc chắn để con người bước lên hoặc sử dụng phương tiện giao thông. Các hệ thống đèn LED được ốp vào mặt đường tạo ra những làn xe và đồng thời hiển thị bảng hiệu giao thông và những thông điệp cần thiết khi lưu thông trên đường.
|
Phi Yến
>> Những phát kiến độc đáo năm 2014
>> 10 phát kiến hàng đầu cho phát triển bền vững
>> Phát kiến nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn
>> Những phát kiến từ ước mơ
Bình luận (0)