10 phút cứu sống người đàn ông bị tường đổ đè lên người nguy kịch

14/09/2022 18:23 GMT+7

Sau 10 phút can thiệp trên máy DSA, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cứu sống kỳ diệu một người đàn ông không may bị bức tường đổ đè lên người rất nguy kịch.

Chiều 14.9, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sau 10 phút can thiệp cấp cứu, các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống kịp thời một nam bệnh nhân bị tường đổ đè lên người nguy kịch.

Trước đó, nam bệnh nhân tên T.H.C. 31 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, da niêm nhợt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, đau nhiều vùng lưng và chậu hông, tê hai chân. Kèm theo đó là vết thương phức tạp vùng đầu mặt; tràn khí dưới da vùng ngực trái; biến dạng vai phải, mạch, quay, trụ tay phải không bắt được.

Bệnh nhân tên T.H.C đã được cứu sống kỳ diệu sau tai nạn bị bức tường đổ đè lên người

đình tuyển

Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc hỗ trợ gia đình người thân làm nhà, bệnh nhân đã không may bị bức tường đổ sập đè lên người.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu vừa hồi sức chống sốc cho bệnh nhân vừa kích hoạt báo động đỏ nội viện để bỏ qua các thủ tục hành chính, cứu bệnh nhân một cách khẩn trương.

Qua hội chẩn nhiều chuyên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán choáng chấn thương, đa thương do tai nạn lao động với hàng loạt chấn thương ở sọ não, hàm mặt, tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da vùng ngực, biến dạng vai phải, tổn thương động mạch nách, chấn thương cột sống thắt lưng, gãy khung chậu, gãy xương cùng cụt bên trái. Đặc biệt là chảy máu và tụ máu sau phúc mạc lượng nhiều, kèm theo đó là rối loạn đông máu nặng.

Hình ảnh chụp CT chấn thương của bệnh nhân

đình tuyển

Các bác sĩ đã quyết định phải giải quyết ổ chảy máu lưu lượng lớn vùng chậu bằng phương pháp can thiệp nội mạch, dẫn lưu màng phổi, nắn khớp vai và phẫu thuật tắc động mạch cánh tay.

Quá trình can thiệp, các bác sĩ đã phát hiện ổ thoát mạch từ nhánh động mạch chậu trong trái và tiến hành nút mạch cầm máu ổ thoát mạch lưu lượng lớn. Sau khoảng 10 phút can thiệp thành công, tình trạng huyết động bệnh nhân cải thiện, huyết áp ổn định. Đồng thời, bệnh nhân được chuyển đến hậu phẫu, điều chỉnh rối loạn đông máu và tiếp tục thực hiện các can thiệp tiếp theo.

Nói về ca cấp cứu trên, BS.CK2 Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đây là một ca cấp cứu đa thương rất nặng. Ngay lúc cấp cứu nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao, huyết áp tụt rất nhanh. “Lúc cấp cứu đã truyền đến gần 6 đơn vị máu mà huyết động bệnh nhân không thay đổi. Qua chụp CT-Scanner và MRI thì phát hiện bệnh nhân có tụ máu sau phúc mạc vùng chậu rất nhiều. Lúc này, xác định bằng mọi giá phải cầm máu để cứu mạng bệnh nhân trước”, BS Huy nói.

Cũng theo BS Huy, bệnh nhân trên không chỉ sốc rất nặng mà còn bị tắc mạch chi giờ thứ 5, nếu không được cầm máu và xử lý tắc mạch chi sớm sẽ dẫn tới hoại tử và phải đoạn chi.

“May mắn là sau khi cầm máu vùng chậu, bệnh nhân ổn định, ê kíp liền tiến hành can thiệp nắn khớp vai cho bệnh nhân, và động mạch chi của bệnh nhân cũng được tái lập lại. Nhờ đó đã giữ được tính mạng cho bệnh nhân và hy vọng là cứu được cả cánh tay”, BS Huy nói thêm.

Hình ảnh chảy máu của bệnh nhân trước và sau khi được can thiệp nút mạch trên máy DSA

đình tuyển

Hiện tại, sau theo dõi 24 giờ, mạch quay và trụ tay phải bệnh nhân đều bắt rõ, các ngón tay hồng.

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân rất khó khăn, là lao động chính trong gia đình và dự kiến sẽ còn phải điều trị thời gian dài. Vì vậy lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo phòng công tác xã hội tìm kinh phí hỗ trợ viện phí điều trị cho bệnh nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.