10 tiếng 'chạy đua' với Thủ tướng tại Liên Hợp Quốc

30/09/2018 09:59 GMT+7

Hơn 40 giờ bay, 15 cuộc làm việc trong 1 ngày với hàng chục lãnh đạo cấp cao của thế giới tại Liên Hợp Quốc, ... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho thấy ông là con người của công việc - sung sức và quyết liệt.

10 tiếng, 15 cuộc làm việc 

 

Tôi đã tháp tùng nhiều chuyến công du, song ít có chuyến đi nào mà lịch làm việc lại thấy “dày đặc” như chuyến này. Bay ngày 26.9, làm việc ngày 27.9, về ngày 28. Lịch 3 ngày, thực tế thời gian làm việc chỉ vẻn vẹn có 1 ngày 27.9, vì chúng tôi đã mất tới khoảng hơn 40 tiếng trên chuyên cơ Boeing 787 của hãng hàng không Vietnam Airline.


Trên cuốn sổ nhỏ, kéo dài ra phía sau còn tới 15 nội dung làm việc, song phương, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc… anh em trong đoàn báo chí mới nhìn đã thấy “ngợp”.

 

Sau một bữa sáng nhẹ tại khách sạn Lexington ở trung tâm New York, chúng tôi di chuyển sang Millennium Holtel nơi diễn ra buổi Toạ đàm do Thủ tướng chủ trì với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Quyền Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có mặt. Phía Hội đồng kinh doanh Mỹ xuất hiện những cái tên hàng đầu như: Chủ tịch Tập đoàn AT&T, Pepsico.Inc, CEO của IBM, Metlife; Chủ tịch Tập đoàn GE Alex Dimitrief… 

 
Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp Hoa Kỳ Anh Vũ
1 tiếng cho tọa đàm, thời gian quá ít ỏi như vậy, tôi tự nhủ liệu có thể “chốt” được vấn đề gì không, hay chỉ cưỡi ngựa xem hoa? Song, đúng với phong cách làm việc quyết liệt của Thủ tướng, và sự khẩn trương của người Mỹ (đồ ăn sáng nhẹ với bánh mì, xúc xích, khoai tây và bò được đặt lên bàn), tất cả vừa ăn vừa trao đổi. Một không khí khá cởi mở.
 
Rất nhanh chóng, Thủ tướng đi thẳng vào vấn đề của buổi toạ đàm “Thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0”: “Điều gì làm các bạn băn khoăn nhất về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam… Quan trọng là các bạn cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực”.
 
Chỉ trong vòng 10 phút đã có hơn 10 câu hỏi được đưa ra, xoáy thẳng vào những nút thắt đầu tư tại Việt Nam, vào phát triển hạ tầng viễn thông, dịch vụ ứng dụng công nghệ 4.0 như hộ chiếu điện tử, mã số công dân điện tử…  

 

Đáp lại, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Ông cũng không quên giới thiệu Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người đã đưa Viettel trở thành Tập đoàn viễn thông vươn tầm thế giới với mức doanh thu 10 tỉ USD và lợi nhuận 2 tỉ USD hàng năm.

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hay Nguyễn Thị Kim Tiến khiến các doanh nghiệp Mỹ khá bất ngờ bởi khả năng nói tiếng Anh “tay bo” vô cùng hoàn hảo. Những thuật ngữ chuyên ngành rất khó trong các lĩnh vực công thương, y tế, viễn thông… được các Bộ trưởng bắn nhanh như “súng liên thanh”, làm cho các phiên dịch viên ở cabin liên tục bị lỗi nhịp. 

 

Tọa đàm ngắn nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Thủ tướng đưa thông điệp Việt Nam  “mở cửa”, “mở lòng” hết sức để hợp tác với các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua cải thiện nhanh và mạnh hơn môi trường đầu tư, đưa ra các quyết sách nhanh chóng, kịp thời. “Chốt” lại tọa đàm, đại diện Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết của Hoa Kỳ cam kết trong 1-2 tháng tới sẽ chính thức dẫn đầu đoàn doanh nhân sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

 
Thủ tướng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres Quang Hiếu
 Ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế 

 

Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng di chuyển sang trụ sở Liên hợp quốc. Tại đây, lịch làm việc song phương với một loạt nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia dày đặc đang chờ sẵn: Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel; nữ tống thống Croatia xinh đẹp; Thủ tướng Fiji Jioji Kontote của Fiji, Thủ tướng Allen Chastanet của Saint Lucia…

 

Những cuộc tiếp xúc dồn dập diễn ra đến tận buổi trưa, dù hôm trước ông đã phải bay chặng đường dài gần 20 tiếng từ Việt Nam ăn ngủ trên máy bay, tranh thủ mọi cơ hội để gặp gỡ, trao đổi và thu xếp cho kịp giờ phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

 

Trước hàng trăm lãnh đạo cấp cao, đại biểu của thế giới, mở đầu Thủ tướng gửi lời cảm ơn đối với Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có phút mặc niệm về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời. Bài phát biểu ngắn gọn sau đó truyền tải được thông điệp hết sức rõ ràng. Việt Nam đến với khoá họp lần này với tâm thế là ứng cử viên duy nhất được nhóm châu Á - Thái Bình dương gồm 54 quốc gia thành viên nhất trí giới thiệu vào vị trí uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

 

Tham gia khoá họp là dịp để thể hiện trách nhiệm của nước ứng cử và vận động tất cả các nước ủng hộ Việt Nam tại cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục cải cách mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao hiệu quả, dân chủ và minh bạch, đồng thời kêu gọi các nước cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hoà bình, công bằng, và phát triển bền vững”. 

 

Một diễn đàn lớn với nhiều thông điệp: Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi toàn cầu hành động vì cuộc chiến chống ma túy trên toàn, Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi hòa bình… Ông Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) tâm đắc sau bài phát biểu của Thủ tướng và chia sẻ Việt Nam rõ ràng là sự lựa chọn đồng lòng của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khoá 2020-2021.

 

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo của một số Tập đoàn lớn tại Mỹ, các chuyên gia tham dự cuộc họp bày tỏ ấn tượng trong nội dung bài phát biểu khi Thủ tướng nhắc tới quá khứ đấu tranh giành độc lập tự do gian khổ, lâu dài của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương Liên hợp quốc.

 

Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau…

 
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với doanh nghiệp Hoa Kỳ Anh Vũ

 

Tại các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước cũng đánh giá rất cao vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đảm đương tốt cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đại diện Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đánh giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một lãnh đạo quyết liệt thông qua một loạt những thay đổi trong việc cải cách môi trường đầu tư, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

 

“Chúng tôi nhìn thấy một tham vọng của Chính phủ Việt Nam dưới thời của ông để đưa Việt Nam vươn lên tầm cao mới bằng những cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Những cam kết của Thủ tướng đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn tại Việt Nam”, vị này chia sẻ. 

 

Dù lịch làm việc dày đặc, song chiều cùng ngày, Thủ tướng vẫn dành thời gian gặp gỡ các cán bộ Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh tiêu biểu và bạn bè Mỹ tại New York. Ông cũng lắng nghe nhiều chia sẻ, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt tại địa bàn về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

 

3 ngày, hơn 40 giờ bay; 10 tiếng và 15 phiên họp. Chúng tôi, cánh nhà báo vốn dĩ cũng dạn dày sương gió, có những người vẫn tuổi thanh niên, trai tráng song cũng bị hụt hơi so với sức bền của Thủ tướng. Ông vẫn quyết liệt trong từng công việc, trong từng cuộc đối thoại. Trên chuyến bay từ New York về Paris nghỉ giữa chặng, ông lại tiếp tục đến từng chỗ ngồi, vỗ vai, tươi cười động viên từng anh em trong đoàn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.