10 xu hướng công nghệ hứa hẹn bùng nổ làng game 2016 (Phần 1)

31/12/2015 09:00 GMT+7

Bạn là game thủ, bạn muốn tậu cho mình một chiếc kính HoloLens hay phân vân việc nâng cấp từ "cục gạch" lên chiếc smartphone chiến game trong năm mới? Mọi câu trả lời sẽ được giải đáp dưới đây.

Công nghệ đang phát triển ngày một nhanh chóng và việc ứng dụng chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Những công nghệ tiên tiến sẽ làm thay đổi mọi thứ đang có, dĩ nhiên, thế giới game cũng không phải ngoại lệ. Sau đây là 10 xu hướng được Thanh Niên Game dự đoán sẽ ảnh hưởng tới nền công nghiệp game trong năm 2016.

1. Những bước chân đầu tiên của thực tế ảo

Giờ đây, việc ngồi chơi game theo kiểu truyền thống sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Với việc những chiếc kính thực tế ảo đang được dư luận hết sức quan tâm, 2016 dự đoán là năm mà các nhà phát triển sẽ hiện thực hoá sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng.

Năm vừa rồi, hàng loạt các công ty lớn như Sony hay Microsoft đồng loạt giới thiệu các loạt kính thực tế ảo gây xôn xao dư luận với Project Morpheus, HoloLens và Oculus Rift.

Chiếc Oculus Rift làm xôn xao dư luận thời gian gần đây (Ảnh: Internet)

Rào cản lớn nhất có lẽ chính là giá tiền của những thiết bị trên. Sẽ rất tốn kém cho một chiếc HoloLens hay giá tiền của PS VR đắt hơn một chiếc PS4 thông thường, chúng chưa thực sự phù hợp với đại đa số người dùng.

Các công nghệ thực tế ảo đang là những bước tiến lớn trong việc thay đổi lịch sử công nghệ thế giới, tuy nhiên, chúng ta có lẽ vẫn sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian ngắn trước khi chúng thực sự phổ biến.

Summer Lesson là tựa game PS4 đầu tiên sử dụng kính VR (Ảnh: Bandai)

2. Đường truyền Internet trở thành huyết mạch

Bạn sẽ chỉ có những trải nghiệm tuyệt vời nếu như đường truyền internet của bạn ổn định. Giờ đây, ngành công nghiệp trò chơi cũng như âm nhạc, phim ảnh đang dần chuyển sang mô hình các dịch vụ trả tiền trực tuyến. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới giới hạn băng thông của bạn.

Năm 2015, Sony và Nvidia là những người đi đầu trong thế giới game với những dịch vụ stream game riêng của mình. Tuy nhiên, việc ày chưa nhận được sự chú ý của giới game thủ do đại đa số tốc độ đường truyền người chơi không đạt đủ yêu cầu.

Đường truyền internet tốc độ cao là ước mơ của rất nhiều game thủ (Ảnh: Internet)

Hiện nay, hầu như tất cả các game trên PS4, Xbox và PC đều trong tình trạng chưa hoàn chỉnh trên đĩa và yêu cầu một bản cập nhật “Day One” có dung lượng lớn trước khi bạn bắt đầu chơi. Cùng với vấn đề trên chính là việc dung lượng mỗi trò chơi đang dần tăng lên. Nếu là một fan của video game, hãy sẵn sàng cho việc nâng cấp tốc độ đường truyền ngay hôm nay.

Google Fiber tiếp tục mở rộng tại Âu Mỹ (Ảnh: Google)

3. Game di động tiếp tục thống lĩnh thị trường

Chúng ta đang nói tới những chiếc smartphone và tablet. Ngày nay, khi mà các thiết bị thông minh càng nhanh, mạnh, tiện dụng thì ngày tàn cho các máy chơi game cầm tay có lẽ sẽ không xa.

Với sự quan tâm của các nhà phát hành cũng như trợ giúp của công nghệ mới như mạng 5G hay dịch vụ stream game trực tuyến, nền công nghiệp game trên smartphone đang có những bước chuyển mình ngoạn mục.

Lợi nhuận "khủng" đến từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh: Internet)

Square Enix, Capcom hay thậm chí cả Rockstar đều đã cho ra mắt những "hit" tạo nên tên tuổi một thời trên các thiết bị iOS và Android. Ngày một nhiều những nhà sản xuất tên tuổi đã, đang và sẽ lên kế hoạch cho ra mắt các phiên bản mobile. Với số lượng người dùng smartphone kỉ lục hiện nay, có lẽ "mỏ vàng" của nhà đầu tư chính là thị trường màu mỡ này.

Liệu smartphone có thể thay thế console truyền thống? (Ảnh: Internet)

4. Năm của những thiết bị thông minh

Các công ty đều đang nỗ lực tìm kiếm một tính đồng bộ cho các sản phẩm của mình. Windows 10 hoàn toàn thân thiết với Xbox One, PS4 trong tương lai sẽ có thể stream game lên PC và các thiết bị thông minh khác (hiện tại chỉ hỗ trợ PS Vita & dòng điện thoại Xperia Z) là những minh chứng rõ ràng cho việc "cross-platform" (đa nền tảng) đang dần trở thành xu thế hiện nay.

Chơi game mọi lúc mọi nơi, mọi thiết bị (Ảnh: Microsoft)

Cuộc sống hiện nay rõ ràng không thể thiếu những chiếc smartphone hay tablet. Bởi vậy, nền tảng chung có thể cải thiện việc giao tiếp giữa console và thiết bị cầm tay là vô cùng thiết yếu. Mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn với công nghệ này thay vì mỗi thiết bị chỉ có hệ điều hành độc lập cho riêng mình.

Smartphone dần trở thành thứ không thể thiếu (Ảnh: Internet)

5. Sự phát triển của công nghệ đám mây

Có lẽ vẫn hơi sớm khi bàn về tương lai của ngành công nghiệp game dựa trên nền tảng đám mây bởi quá nhiều khó khăn. Những trò chơi giờ đây vẫn cần các trung tâm dữ liệu được cung cấp và truyền tải bởi console thay vì phải nhận và truyền dữ liệu qua internet.

Một rào cản quen thuộc: bạn sẽ cần một băng thông cực lớn để chơi game bằng công nghệ đám mây. Độ trễ khá lớn khi bóp cò với game FPS hay một chuỗi combo trong game đối kháng, những ví dụ điển hình cho thấy hiện tại nền tảng này không đáp ứng đủ yêu cầu.

Gaming trên "mây" - Thành công hay thất bại ? (Ảnh: Sony)

Sony "một mình một ngựa" đang cung cấp dịch vụ PS Now sử dụng công nghệ đám mây, giúp những game thủ PS4 có thể chơi trực tiếp các game chỉ phát hành trên PS3, PS2 và PSOne trên chiếc máy mới nhất của hãng.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc kết hợp giữa sức mạnh của console và nền tảng đám mây có thể tạo nên những trò chơi tốt nhất trong tương lai. Nintendo NX - tên mã của hệ máy console tiếp theo của Nintendo hứa hẹn sẽ tận dụng tối đa công nghệ "chơi game trên mây" này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.