Đây là chương trình do T.Ư Đoàn phối hợp Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long thực hiện. Năm nay, phần lớn đối tượng tham gia chương trình là giáo viên, giảng viên trẻ (186 công trình), học sinh, sinh viên (57), trong đó có hai thạc sĩ đang học tập tại Hungary, Thái Lan, còn lại 86 công trình, sáng kiến của thí sinh ngoài ngành.
Bà Trần Thị Hoài, Phó viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên ban giám khảo, cho biết: “Do có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, đa số công trình năm nay có sự đầu tư bài bản trong nghiên cứu, trình bày. Nhiều công trình do cả một nhóm tác giả đồng lòng xây dựng trong nhiều năm”.
Trong số 10 công trình tiêu biểu nhất, nhiều công trình đã nắm bắt các xu hướng, phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới để áp dụng linh hoạt vào môi trường VN như mô hình phòng thí nghiệm ảo, ứng dụng 3D trong dạy lịch sử, áp dụng hình thức debate quốc tế... Bên cạnh đó, nhiều công trình đề cập đến nhiều vấn đề mới để phát triển năng lực và kỹ năng của người học như giáo dục tài chính cho trẻ em, kỹ năng phòng chống tệ nạn buôn người…
tin liên quan
Tri thức trẻ vì giáo dục: Các ý tưởng hay cho giáo dục không chỉ ‘nằm trên giấy’Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức vừa chính thức khởi động.
Phía sau các bài dự thi chất lượng là tâm huyết, nỗ lực của người trẻ với ngành giáo dục. Trăn trở vì học trò phải học mà không có dụng cụ thí nghiệm môn vật lý, thầy giáo Nguyễn Tường Vũ, tác giả công trình “Phổ biến thí nghiệm vật lý đã tự tìm tòi chế tạo các dụng cụ thí nghiệm và dự tính mở một trung tâm về thí nghiệm vật lý ở Huế”, chia sẻ: “Vật lý là môn học thực nghiệm, kiến thức đều được rút ra sau khi tiến hành các thí nghiệm. Với tôi, nếu học sinh chỉ học “vẹt” lý thuyết cho qua chuyện, mà không nắm rõ vấn đề của bài học thì rất nguy hiểm”.
Cũng từ những câu chuyện thực tế, hai nữ sinh Lý Phương Anh và Trần Lê Linh Chi (đều học lớp 11 Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn) dày công xây dựng cuốn sổ tay trang bị kỹ năng chống nạn buôn người qua biên giới cho học sinh.
Lý Phương Anh, đồng tác giả công trình trên, cho biết: “Nhiều em nữ thậm chí còn chưa biết đến một thông tin gì về nạn buôn người qua biên giới thì đã thành nạn nhân rồi. Câu chuyện đó rất đau lòng. Em hy vọng cuốn sổ tay sẽ hữu ích với cách phòng chống nạn buôn người”.
Kết quả chung cuộc sẽ được công bố trong lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục, diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 9.11, tại Hà Nội.
Hỗ trợ ứng dụng các công trình
Về việc hỗ trợ công trình tiêu biểu, chương trình đã giúp công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) kết nối với các doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất đại trà. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ tích cực để công trình “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre) đã được in thành sách và phát hành đầu tháng 11.2017.
|
Hội đồng giám khảo chung khảo của cuộc thi gồm nhiều chuyên gia uy tín:
- Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.
- GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông.
- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- PGS-TS Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
- PGS-TS Phạm Đức Quang, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục VN, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021.
|
Bình luận (0)