100% đại biểu HĐND thông qua tờ trình dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch

08/10/2018 20:39 GMT+7

Dù có nhiều tranh luận, phản biện nhưng 100% đại biểu HĐND đã thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch.

Ngày 8.10, HĐND TP.HCM khóa 9 tổ chức kỳ họp  thứ 10 (kỳ họp bất thường) có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bi thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Dù có nhiều tranh luận, phản biện nhưng sau hơn 3 giờ của kỳ họp, 100% đại biểu HĐND đã thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (HBSO) có vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).

Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đọc tờ trình khẳng định nhà hát này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, sau khi hoàn thành sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Kinh phí xây dựng nhà hát lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn (Q.1). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.

Dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (HBSO) Đồ họa: V.A

Tờ trình của UBND TP.HCM cho hay việc xây dựng nhà hát này còn để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm.

Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.

Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến dự án, Sở VH-TT yêu cầu ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO tham dự kỳ họp.

Tại đây ông Thạch cho biết hiện ở TP chỉ có Nhà hát TP là đúng nghĩa nhà hát nhưng  lại có công suất quá nhỏ. Những nhà hát, như: Hòa Bình, Bến Thành… thì cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

“Dự  án HBSO ngoài 2 khán phòng 1.200 và 500, chỗ sảnh phía trước của nhà hát sẽ là sân khấu ngoài trời biểu diễn phục vụ cho nhiều ngàn khán giả”, ông Thạch nói.

Ông Thạch cho biết thêm trong tương lai, nhà hát sẽ có đầy đủ tiêu chuẩn phục vụ cho tất cả loại hình nghệ thuật từ hiện đại đến truyền thống và đón tiếp các đoàn nghệ thuật lớn của nước ngoài.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy tán thành với đề xuất xây nhà hát vũ kịch. Tuy nhiên vị đại biểu này bày tỏ sự băn khoăn ở chỗ tờ trình chưa nói đến quy mô khán phòng 1.200 và 500 chỗ ngồi là đủ hay chưa, mục tiêu, mục đích sử dụng của nhà hát ra sao.

Nghệ sĩ Quế Trân mong muốn sau dự án nhà hát vũ kịch, TP.HCM sẽ có dự án nhà hát xứng tầm dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương Đình Quân

“Hiện có Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát TP có cùng quy mô nhà hát vũ kịch, vậy đã sử dụng hết công suất hai nhà hát này hay chưa mà còn xây nhà hát này? Chúng ta đã có khảo sát về thị trường nghe nhạc giao hưởng, vũ kịch chưa? Liệu nhà hát này chỉ phục vụ nghe giao hưởng, vũ kịch hay còn phục vụ nhu cầu văn hóa chung theo kiểu nhà hát đa năng?”, bà Thúy đặt vấn đề.

Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện HBSO chia nhỏ tới 3 địa điểm: 1 ở tầng hầm Nhà hát TP, 1 ở đường Trần Quốc Thảo và 1 ở Thư viện TP. Vừa rồi HBSO trang bị 47 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị nhưng lo lắng nhất là kiếm nơi bảo quản vì cơ sở vật chất của HBSO gặp nhiều khó khăn.

“Rất buồn vì người ta tới thấy cơ sở vật chất của mình như thế. Việc đào tào vũ kịch cũng mời nhiều chuyên gia nhưng thiếu cơ sở đào tạo đúng chuẩn. Hiện nay nhà hát vũ kịch có năng lực biểu diễn nhiều vở diễn quốc tế lẫn trong nước nhưng cơ sở vất chất của nhà hát không đáp ứng được”, ông Nhân nói.

Liên quan đến vụ việc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Q.1) xây dựng xong không phù hợp với bộ môn cải lương, ông Nhân cho biết đó là bài học của ngành văn hóa TP. Cho nên với dự án HBSO, Sở VH-TT sẽ có phương án đầu tư xây dựng, kiến trúc hợp lý và có quy trình giám sát chặt chẽ.

Sau khi dự án được thông qua, Sở VH-TT sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế, mời những chuyên gia giỏi về kiến trúc lẫn nghệ thuật vào hội đồng thi tuyển thiết kế nhà hát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.