100% mẫu thịt được Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm đều nhiễm E.coli

11/12/2017 12:35 GMT+7

Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8.2017, cho thấy 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.

Các mẫu thịt này được lấy ở các chợ trên địa bàn 5 tỉnh thành: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.
Mặt khác, một khảo sát tương tự cũng được Viện Pasteur thực hiện với 147 mẫu thủy hải sản tươi sống (gồm chem chép, hàu, nghêu và sò các loại). Kết quả, 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.
Theo ông Đỗ Huy Nhật Minh (tác giả nghiên cứu, thuộc Viện Pasteur TP.HCM), nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm E.coli chủ yếu do điều kiện vệ sinh còn kém từ các lò giết mổ gia súc gia cầm đến các nơi bày bán chế biến thực phẩm. Ngoài ra, còn do nguồn nước bị nhiễm khuẩn, thịt bị nhiễm vi khuẩn trong công đoạn cắt tiết, nhổ lông, từ dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Vi khuẩn E.coli là loại vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae, thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Một số chủng E.coli sinh độc tố có khả năng gây ra các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu.
Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM: Vi khuẩn E.coli sống ký sinh trong đường ruột gia súc, gia cầm. Do vậy, chỉ một ít chất có trong ruột gà, vịt, heo thải ra ngoài trong quá trình giết mổ thì E.coli sẽ nhiễm qua thịt. E.coli còn hiện diện trong đất, nước… Vì vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên sàn nhà, sử dụng nguồn nước không đảm bảo thì nguy cơ thịt gà, vịt, heo nhiễm E.coli chắc chắn xảy ra.

tin liên quan

92 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm
Một trong các công nhân nhập viện cho biết khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, các công nhân được nghỉ ăn chiều. Sau khi ăn khoảng 30 phút thì có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. 
Trước tình trạng trên, ông Đồng khuyến cáo: “Vi khuẩn E.coli bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Người dân ăn thịt gà, vịt, heo cần nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn. Hạn chế ăn thịt tái”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, nhận định: “Từ những số liệu khảo sát thịt tươi kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP.HCM và những nguyên nhân gây ra tình trạng thịt tươi nhiễm E. coli do Viện Pasteur TP.HCM phân tích, cơ quan có thẩm quyền sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt tươi trong các chợ”.
Theo bà Lan, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp. Bên cạnh đó, những điểm kinh doanh thực phẩm trong các chợ truyền thống nói chung và thịt tươi sống nói riêng sớm được quận, huyện thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng sẽ tăng cường lấy mẫu thịt kinh doanh trên địa bàn xét nghiệm và xử phạt đúng quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.