100 năm ngày sinh GS Từ Giấy 10.10.1921 - 10.10.2021: Bàn tay 'đẹp' dựng cơ đồ dinh dưỡng

13/10/2021 05:44 GMT+7

Tìm hiểu câu chuyện về người anh hùng Từ Giấy, có thể thấy ở ông một điểm chung là trong hoạt động nghề nghiệp, dù ở lĩnh vực nào, ông đều gầy dựng từ hai bàn tay trắng.

Là “Huyền thoại của ngành dinh dưỡng thế giới”, khi rời vai trò một nhà khoa học, GS-BS Từ Giấy trở về vai trò người chồng, người cha, với phương cách chăm sóc gia đình, con cái theo nếp gia phong rất riêng, để cả ba người con của ông đều thành công trong sự nghiệp.

Vợ chồng GS Từ Giấy có ba người con trai, con cả là phi công chiến đấu Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn Quân đội nhân dân Việt Nam, con thứ là thiếu tướng Từ Linh, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng, con út là TS-BS Từ Ngữ, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam.

Chuyện đôi bàn tay

Tìm hiểu câu chuyện về người anh hùng Từ Giấy, có thể thấy ở ông một điểm chung là trong hoạt động nghề nghiệp, dù ở lĩnh vực nào, ông đều gầy dựng từ hai bàn tay trắng, từ Báo Vui Sống, Viện Nghiên cứu ăn - mặc quân đội, Khoa Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Đại học Y, đến Viện Dinh dưỡng quốc gia, xây dựng mô hình cung cấp thực phẩm sạch theo quy cách VAC cho phi công, cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Ba Vì… Tính thời đại từ những công trình, đề tài, nghiên cứu khoa học, nhân sự, tầm nhìn… do ông dựng lên từ đôi bàn tay trắng, đều là kim chỉ nam cho ngành dinh dưỡng Việt Nam.

Đại tá Từ Đễ (thứ 3 từ trái qua), con cả GS Từ Giấy, cùng đồng đội trong phi đội Quyết Thắng

tư liệu gia đình

Ông Từ Đễ hồi tưởng: “Cha tôi kể khi rời Hà Đông về Hà Nội học Trường Bưởi, ông chỉ hai bàn tay trắng. Ngoài giờ học, để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, ông thường đi dạy học và một cách kiếm tiền nữa là… đánh đáo ăn tiền. Ông khéo tay nên đánh đáo rất giỏi”.

Chuyện thành thân của cụ Giấy với cụ Nguyễn Thị Hiếu - thuộc dòng dõi cụ Nguyễn Trãi, quê ở Nhị Khê - được người con trưởng Từ Đễ chia sẻ: “Hồi cha tôi đến nhà mẹ tôi xin được tìm hiểu thì cả nhà chê nghèo quá, nhưng ông bố thấy cha tôi có bàn tay đẹp một cách kỳ lạ, nên tin tưởng sau sẽ thành người tài, nhờ vậy mà cha mẹ tôi mới nên duyên”.

Tự học và tự lập

Nhiều đồng nghiệp, trong đó có trung tướng - bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, đã có những nhận xét khá tương đồng về thời còn làm việc với GS Từ Giấy: “Tôi học ở anh Từ Giấy rất nhiều điều, lớn nhất là tinh thần tự học, học cho kỳ hiểu mới thôi, nên trong hoạt động nghề nghiệp, việc khó mấy, phức tạp mấy anh cũng giải quyết nhẹ nhàng, và kết quả thường đạt ngoài mức mong đợi”.

“Có hai lần trong đời tôi thấy cha tôi thắp hương thần Thổ Địa, đó là khi xây nhà và khi khởi công xây dựng Viện Dinh dưỡng quốc gia, vì ông mong cả hai nền tảng ấy sẽ mãi được trường tồn và phát triển” - ông Từ Đễ cho biết.

Tinh thần tự học được GS Từ Giấy áp dụng cho bản thân từ thời niên thiếu. Từ một người nông dân nghèo, để đứng vào hàng ngũ bậc “thầy”, GS Từ Giấy hoạch định lối đi rất rõ ràng, cụ thể, ấy là tìm hiểu vấn đề từ gốc. Và cách tìm hiểu tận gốc của ông là học và đọc.

Với nền tảng giỏi chữ Nôm, chữ quốc ngữ, GS Từ Giấy tiếp tục học các ngôn ngữ Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga với lý do: “Học thì phải đến nơi đến chốn, không đi tắt đón đầu. Bởi cái gốc mới là chân lý, khi qua người dịch chưa chắc tài liệu ấy còn nguyên bản, chưa kể bị chính trị hóa, bị can thiệp nội dung, thế thì chân lý méo mó ngay. Còn khi gặp được nguyên bản, hiểu được chân lý, đó chính là sự tự do”.

Từ vốn ngoại ngữ đa dạng, các kiến thức “chân lý” được dung nạp, cộng với tư duy thực tiễn của người xuất thân từ cư dân nông nghiệp, hiểu được nông thôn, nông dân, hiểu lý thuyết cần ứng dụng vào thực tế cuộc sống, GS Từ Giấy xác định phương châm sống: “Muốn tự do, phải nắm được chân lý. Muốn làm cách mạng, muốn đổi đời, nếu chỉ nông dân - công nhân không thì chưa đủ, phải có người tài, kiên tâm, quyết tâm, và có niềm tin”. Đó cũng chính là những lý do khiến ông miệt mài tự học, và không ngừng học.

GS Từ Giấy và phu nhân Nguyễn Thị Hiếu trước Khải hoàn môn trong chuyến công tác Paris (Pháp)

Hai yếu tố tự học và tự lập được GS Từ Giấy áp dụng sâu sắc trong lối giáo dục con cái. Các con của GS Từ Giấy đều xác nhận trong gia đình ông không thiên vị, nâng đỡ ai, luôn để các con độc lập phát triển. Ông dạy các con phải học tập hết sức ở ngành học của mình, không dựa vào ảnh hưởng của bất kỳ ai và phải giữ gìn danh dự cho riêng mình. Con út là TS-BS Từ Ngữ, khi tham gia chiến trường khốc liệt Campuchia, GS Từ Giấy cũng không hề can thiệp hay dùng quan hệ cá nhân tạo cơ hội, nâng đỡ. Mọi lựa chọn của các con ông đều tôn trọng theo khí chất một chiến sĩ cách mạng, hết mình, hết lòng phục vụ cho lý tưởng và chân lý.

Tính tự học của GS Từ Giấy ảnh hưởng lớn đến các con. Ông Từ Đễ tâm sự: “Tôi bắt chước bố tôi tự học các môn như toán, tiếng Anh, nên thời ở Học viện Không quân Liên Xô, tôi dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp bạn bè học hiểu nhanh hơn. Cũng nhờ biết tiếng Anh nên khi chuyển từ máy bay Liên Xô sang máy bay Mỹ, tôi thích ứng rất nhanh”.

Nhà khoa học khiêm nhường

Nói về khoa học dinh dưỡng, từ những năm đất nước khó khăn ở thập niên 1980 - 1990, GS Từ Giấy đã nhìn ra thực trạng của ngành tới tận hôm nay.

GS Đinh Đức, nhà ngôn ngữ học, kể về kỷ niệm gặp GS Từ Giấy vào năm 1980 tại hội thảo về thể chất và năng lượng trẻ em trong nhà trường tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ của GS Hồ Ngọc Đại: “Ông làm mọi người cười ồ khi nhận xét nghe rất lạ tai, rằng hôm nay ta còn đói nghèo, thiếu thốn thì phải lo cho các cháu theo kiểu con nhà nghèo, nhưng cũng phải nghĩ dần đến ngày mai một khi no đủ thì dễ sinh ra nhiều bệnh dinh dưỡng lắm: béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, suy thận…”. Lời nhận xét ấy, nhìn lại thực trạng dinh dưỡng của hôm nay, quả rất đúng.

Cuộc hội ngộ ngày 4.5.1975 của hai cha con Từ Giấy và Từ Đễ

Về nếp sinh hoạt gia đình, cách ăn ở của một chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, ông Từ Đễ tiết lộ: “Anh em chúng tôi được cha dạy rất kỹ, từ chuyện tóc tai cắt ngắn, rửa tay trước khi ăn, tạo thói quen giữ vệ sinh từ nhỏ. Ăn uống thì ông phân chia rõ ràng phần của cha mẹ, phần của ba anh em tôi đều riêng biệt, lớn được chia nhiều hơn. Vào bữa ăn ông khuyến khích ăn nhiều rau, thường nấu các món trộn tổng hợp, ăn chung như mọc, chuối ốc… để các dưỡng chất được cân đối, bù trừ, và kích thích ngon miệng hơn. Khi chúng tôi lớn thêm, ông chú trọng chăm lo đời sống tinh thần, cho chúng tôi nghe nhạc cổ điển, đọc sách, phát triển tài lẻ từng người. Tôi có khiếu vẽ, Từ Linh giỏi violin, Từ Ngữ giỏi thể thao và nhất là có tài hùng biện, đánh đáo giống cha tôi. Ông dặn anh em chúng tôi không được làm điều xấu, nhưng kể cả làm công dân bình thường, cũng phải để lại gì đó với sự nghiệp mình đã chọn”.

Trong cuộc đời hoạt động khoa học của GS Từ Giấy, ông chính là một chiến sĩ, nhưng tinh thần như một nghệ sĩ, thật bay bổng, tự do. Thấy ở cuộc đời ông có bóng dáng “Ông già và biển cả” của Hemingway, khi “câu” được “con cá” đời mình là ngành dinh dưỡng Việt Nam; thấy ở ông tinh thần một “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky bởi “Đời người chỉ sống có một lần”. Chỉ một lần sống ấy, ông đã đạp bằng gian nan, nguy khó, đưa sự nghiệp dinh dưỡng ông theo đuổi lên một đỉnh cao đầy tự hào. Ông từng thổ lộ với con trai cả Từ Đễ: “Cuộc đời mà không có sự nguy hiểm thì không gì thú vị”. Chính những quan niệm sống ấy đã tạo nên một gia đình đặc biệt của GS Từ Giấy, gia đình của những người anh hùng qua các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

Được cả thế giới vinh danh bởi những đóng góp cho ngành dinh dưỡng, GS Từ Giấy sống hiên ngang với khí thế một quân nhân, một trí thức lịch lãm nhưng giản dị, đến cuối đời vẫn ở nhà cấp 4. Quan niệm sống của ông dạy lại cho các con: “Ở đời chẳng có gì là quan trọng, cơ thể người có đến 70% là nước lã, nên chẳng có gì để huênh hoang, hãy sống biết mình, biết người, biết dừng, biết đủ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.