Chiều nay, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đặc biệt. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho thấy các thông tin đáng chú ý.
Hơn 3.000 học sinh chuyên biệt, trong đó hơn 1.800 em khuyết tật trí tuệ
Toàn thành phố đang có 39 đơn vị giáo dục đặc biệt; tổng số 3.312 học sinh chuyên biệt đang học tại các đơn vị giáo dục đặc biệt này.
Trong đó, 2.703 em đang học ở các đơn vị công lập; 609 em học ở các đơn vị ngoài công lập. Năm học 2023-2024, thành phố có tổng số 698 cán bộ, giáo viên và nhân viên trong các đơn vị giáo dục đặc biệt.
Trong số các em học sinh chuyên biệt, nếu chia theo dạng tật thì khuyết tật vận động có ít học sinh nhất - chỉ 46 em; khuyết tật trí tuệ chiếm số lượng đông nhất với 1.820 học sinh (chiếm tỷ lệ 54,95%).
Học sinh hòa nhập bậc tiểu học đông nhất với 4.911 em
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024, toàn thành phố có tổng cộng 907 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đang thực hiện giáo dục hòa nhập. Trong đó, số trường tiểu học thực hiện giáo dục hòa nhập là nhiều nhất, với 482 trường.
Toàn thành phố đang có 10.441 học sinh đặc biệt đang học hòa nhập tại các trường từ mầm non tới THPT, trong đó học sinh hòa nhập bậc tiểu học đông nhất với 4.911 em.
Nếu chia theo dạng tật, thì trong tổng số 10.441 học hòa nhập này, học sinh khuyết tật về nhìn chiếm số lượng ít nhất với 160 em; còn khuyết tật về trí tuệ chiếm số lượng lớn nhất với tổng 7.996 em (tỷ lệ 76,58%).
Bên cạnh khuyết tật về nhìn; khuyết tật về nghe, nói; khuyết tật về vận động; khuyết tật về trí tuệ; khuyết tật thần kinh, tâm thần thì còn 735 học sinh học hòa nhập trong nhóm các khuyết tật khác.
Trăn trở việc chỉ học sinh khuyết tật nặng mới được đặc cách tốt nghiệp THPT
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bày tỏ sự xúc động khi được theo dõi những tiết mục văn nghệ do chính những học sinh đặc biệt - học sinh khuyết tật đang học tại các trường chuyên biệt tại thành phố trình diễn. Ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giáo dục đặc biệt, sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã giúp các em có được sự tiến bộ, tự tin, chủ động như vậy.
Theo ông Quốc, hàng năm, số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập đều tăng. Trăn trở của ông là hiện nay TP.HCM có chính sách tuyển thẳng lớp 10 công lập đối với học sinh khuyết tật học hòa nhập. Tuy nhiên, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, chỉ những học sinh khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật mức độ nặng mới được hưởng chế độ đặc cách tốt nghiệp THPT. "Đây là vấn đề ngành giáo dục đang trăn trở và đề xuất điều chỉnh trong thời gian tới", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị giáo dục đặc biệt cần chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất hỗ trợ trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy học sinh hòa nhập ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, ông Quốc mong có thêm sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình, nhà trường, xã hội với giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập, để giúp các em học sinh khuyết tật phát triển toàn diện.
"Để giúp các em có cơ hội vươn lên, thì cả xã hội cần chung tay, xây dựng môi trường giáo dục tích cực, phù hợp, luôn luôn chứa đựng đầy ắp tình yêu thương với các em", ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ.
Lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM nhìn nhận năm học 2023-2024, công tác chăm lo học sinh khuyết tật nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự hợp tác từ phụ huynh, điều này mang đến hiệu quả tích cực trong việc phát hiện, can thiệp sớm.
Tuy nhiên, giáo dục đặc biệt tại TP.HCM vẫn còn gặp các khó khăn. Như về cơ sở vật chất, một số đơn vị có diện tích phòng học nhỏ hẹp, không có sân chơi hoặc sân quá nhỏ nên hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện cho học sinh; chưa có phòng tâm vận động gây khó khăn trong việc trị liệu tâm vận động cho trẻ khuyết tật; chưa có bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học...
Bên cạnh đó là những khó khăn về nhân sự. Thành phố đang thiếu chuyên viên tâm vận động, chuyên viên vật lý trị liệu, giáo viên can thiệp sớm nên hoạt động chuyên môn của trường chuyên biệt còn gặp nhiều hạn chế.
Những khó khăn khác còn nằm ở phía phụ huynh. Vẫn còn phụ huynh chưa thật sự quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục học sinh vì nhiều lý do như kinh tế khó khăn, nhận thức chưa đúng... Số học sinh đa tật đông, tuổi trí tuệ của học sinh chênh lệch giáo viên mất nhiều thời gian thiết kế các hoạt động giáo dục...
Bình luận (0)