10.000 sinh viên được tham gia mô hình giáo dục đại học số

25/03/2023 17:41 GMT+7

Năm cơ sở giáo dục đại học (ĐH) uy tín tại Việt Nam sẽ thí điểm thực hiện mô hình giáo dục ĐH số với khoảng 10.000 sinh viên.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm xây dựng mô hình giáo dục ĐH số tại Việt Nam, do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 25.3 tại TP.HCM.

Hiện nay, đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục ĐH số trong đào tạo nhân lực công nghệ số đang được xúc tiến triển khai.

10.000 sinh viên được tham gia mô hình giáo dục ĐH số - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng giáo dục ĐH số là xu hướng tất yếu hiện nay

N.T.

Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì việc xây dựng đề án đào tạo nhân lực số. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục phối hợp khác bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục ĐH số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.

Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số; thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến; phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến...

Đề án này đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs (viết tắt của Massive Open Online Courses-Khóa học đại trà trực tuyến mở) dùng chung là khoảng 10.000 sinh viên.

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó ban phụ trách Ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ về đề án đào tạo nhân lực số phục vụ chuyển đổi số phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Theo đó, mục tiêu triển khai mô hình ĐH số góp phần tăng quy mô trong điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực có liên quan phục vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng ngoài các yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống, chính sách vận hành, việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của các trường nổi tiếng. Ngoài ra, khi xác định chỉ tiêu cần quy định tỷ lệ tăng thêm đối với năng lực giảng viên quy đổi bằng tỷ lệ phần trăm đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo.

10.000 sinh viên được tham gia mô hình giáo dục ĐH số - Ảnh 2.

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương chia sẻ tại tọa đàm

N.T.

GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhìn nhận giáo dục ĐH số là xu hướng tất yếu hiện nay. Do đó, Trường ĐH Mở TP.HCM đã và đang đầu tư để phát triển mạnh xu hướng này. Năm 2021, nhà trường cho ra mắt hệ thống các khóa học ngắn hạn online miễn phí là hệ thống VMOOCs. Hiện nay có khoảng 40 khóa học và khoảng 7.000 người đăng ký tham gia.

Cũng theo ông Hà, hiện nay trường có 13 ngành đào tạo trực tuyến bậc ĐH (năm 2023 sẽ phát triển thêm 3 ngành đào tạo trực tuyến mới) và các khóa học ngắn hạn trực tuyến. Không chỉ giới hạn trong các chương trình trực tuyến, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng đã có lộ trình áp dụng các kết quả đạt được trong các chương trình chính quy như các biện pháp hỗ trợ học tập và giảng dạy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.