1.001 lý do nữ giới ngày càng yêu thích bóng đá Việt Nam

10/12/2019 10:16 GMT+7

Những năm gần đây, bóng đá nước nhà đã gặt hái được nhiều thành công và ngày càng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Trong đó, nữ giới chiếm số lượng không nhỏ trong thành phần ủng hộ các cầu thủ Việt Nam, vậy lý do vì sao?

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu từ các quán cà phê, phố đi bộ hoặc mạng xã hội đều thấy bóng dáng những cổ động viên nữ nhiệt tình “hò hét”. Có người đeo băng rôn, áo cổ động, đăng ảnh cầu thủ lên mạng xã hội hoặc có khi cầm quốc kỳ nhiệt huyết ủng hộ đội nhà.
Theo khảo sát "bỏ túi" của phóng viên Thanh Niên, một số ý kiến từ phía nữ giới cho rằng dù có là cổ động viên phong trào hay “fan cứng” thì tựu trung lại bóng đá Việt Nam đã mang lại niềm cảm hứng và sự gắn kết của mọi người lại với nhau.
Xem bóng đá vì thích cầu thủ Việt Nam đẹp trai
Bạn Nguyễn Lưu Hiền (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, thừa nhận mình chỉ là một “fan” phong trào của bóng đá Việt Nam. Hiền chỉ mới theo dõi các cầu thủ Việt Nam từ năm ngoái. Do nhiều bạn bè của Hiền thường đi xem bóng đá nên cô cũng tò mò và theo dõi chung. Dần dần Hiền trở nên yêu mến, đam mê và thích thú tuyển Việt Nam lúc nào không hay. Mỗi khi có các trận đấu của đội tuyển, Hiền cùng bạn bè tụ tập và xem cùng nhau để tạo không khí sôi động. Hoặc những lúc đi học ở xa quê hương, Hiền cũng rủ rê bạn bè, mở máy tính lên mạng vừa xem vừa cổ vũ đội từ xa.

Nguyễn Lưu Hiền cho biết rất thích thủ môn Văn Lâm vì đẹp trai, thi đấu giỏi

Lưu Hiền cũng cho hay mình không rành và am hiểu luật bóng đá cho lắm, tuy nhiên, điều kéo Hiền đến gần bóng đá cơ bản là đội tuyển nước nhà thi đấu quá xuất sắc nên cổ vũ vì màu cờ sắc áo.
“Tôi thích những lúc đi bão. Những con người không quen biết nhau nhưng vì bóng đá là sợi dây kết nối mọi người cùng ra đường và hưởng ứng. Dù là fan nào đi nữa thì đều có chung một niềm tin và ủng hộ bóng đá nước nhà. Sau khi tôi xem đá banh thì mới biết mấy anh cầu thủ đẹp trai. Vừa đẹp trai vừa đá hay, lý do gì mà mình không thích cơ chứ”, Lưu Hiền tiết lộ thêm một lý do để yêu bóng đá Việt Nam.
Cổ vũ vì tinh thần dân tộc
Bạn Vân Anh (27 tuổi, ở Đà Lạt) cho biết cổ vũ U.22 Việt Nam vì cảm thấy tinh thần dân tộc chảy trong huyết quản của mình. Bóng đá là môn thể thao có thể truyền cảm hứng dễ dàng hơn bao giờ hết.
Giống như Lưu Hiền, Vân Anh cũng không biết nhiều về bóng đá, chỉ có thể hiểu một số thứ cơ bản nhưng vì tình yêu cô luôn sẵn sàng tìm hiểu sâu hơn.
"Cho dù ở một mình, tôi cũng hay lên YouTube để theo dõi trận đấu. tôi cũng la hét dù chỉ một mình. Hôm nào nổi hứng, tôi sẽ ra quán cà phê ngồi, hòa với những người tình cờ gặp ở đó. Mọi người sẽ cùng nhau la hét, cùng nhau nhảy cẫng lên, cùng nhau bàn bạc chiến thuật dù trước đó chưa từng nói chuyện. Ai cũng có thể trở thành huấn luyện viên từ xa. Đội tuyển Việt Nam đã kết nối những con người Việt Nam lại với nhau theo cách không phân biệt già trẻ trai gái. Tất cả đều hướng về Tổ quốc thân thương”, Vân Anh chia sẻ.
Theo Vân Anh, cô không nghĩ có khoảng cách gì giữa “fan phong trào và fan chính hiệu”. Mỗi người chọn yêu bóng đá theo cách của họ. Ta không thể phân định điều nào thì tốt hơn. Chỉ cần họ có tình yêu với bóng đá và cổ vũ cho đội tuyển quốc gia dù là một khoảnh khắc cũng là một điều tuyệt đẹp.

Thời gian gần đây nữ giới cũng quan tâm đến bóng đá không kém gì nam giới

Ngọc Dương 

Vì tinh thần mà bóng đá đem lại cho người xem. Nó giúp ta được sống với những cảm xúc đẹp. Có hồi hộp, có thất vọng, có hy vọng, có sự chia sẻ, đồng cảm cùng nhau. Nó giúp ta gắn kết nhau lại từ những người lạ thành quen cũng vì màu cờ sắc áo.
“Nếu các em ấy đẹp trai mà đá dở thì chả ai mê đâu. Không phải lúc nào mình cũng sống bằng nhan sắc được. Thêm nữa, ngoài bóng đá nam còn có bóng đá nữ. Nhìn chị em đổ máu và giành chiến thắng trước đội tuyển Thái Lan, người ta chỉ có thể ngả mũ trước tinh thần bất khuất của các cầu thủ nữ. Bóng đá chứ có phải thi hoa hậu đâu mà cần đẹp trai hay đẹp gái”, Vân Anh chốt lại ý kiến của mình.
Xem tuyển Việt Nam từ khi còn nhỏ
Chị Trần Thị Thu Nguyệt (35 tuổi, ngụ TP.HCM) cho hay đã xem bóng đá từ lúc 10 tuổi. Bắt đầu từ thời Word Cup 1994. Song song thời điểm cột mốc của danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức nên chị Nguyệt mê đội tuyển Việt Nam từ dạo đó.
Lúc nhỏ mỗi lần có giải bóng đá trong xóm, trong xã, trưa nắng bị cấm chị vẫn chạy đi xem cổ động. Chị còn lập cả đội bóng nữ của xóm, tự gom tiền mua bóng đá luôn.
Chị Nguyệt cũng không xác định được tại sao thích tuyển Việt Nam nhưng mỗi lần nghe Quốc ca cảm thấy mình rất tự hào. Chị thích cách cầu thủ đoàn kết tạo nên chiến thắng.

Chị Trần Thị Thu Nguyệt cho biết đã theo dõi đội tuyển Việt Nam từ 10 năm về trước

“Tôi xem từ đó giờ, có một đoạn thời gian 2011 - 2016 tôi không xem trực tiếp các trận đấu, mà chỉ theo dõi tin tức sau một vài sự cố của bóng đá Việt Nam nên tôi buồn quá không xem luôn, nhưng vẫn theo dõi tin đội tuyển mỗi khi có giải”, Chị Nguyệt nói.
Biết được các lỗi cơ bản, đội hình, vị trí, luật mỗi giải khi xem giải nào thì chị thường đọc tin về chuyên môn ở các trang chuyên bóng đá, để khi xem mình nhận định được tình huống. Và từ 2018 đến giờ thì giải nào của đội tuyển Việt Nam chị cũng xem.
Bạn Nguyễn Tuyết (25 tuổi, ở TP.HCM) đã xem và cổ vũ bóng đá từ khi còn nhỏ. Bởi những năm 1997 - 1998 phong trào xem bóng đá ở khu phố nhà Tuyết khá mạnh mẽ. Do đó Tuyến cũng đam mê bóng đá từ đó.
Tuyết thường xem bóng đá ở các quán cà phê, những nơi công cộng để hòa chung không khí với nhiều người. Trước khi xem Tuyết cũng nghiên cứu về các cầu thủ, đội bóng, sự tương quan lực lượng giữa hai bên.

Nguyễn Tuyết trong một lần cổ vũ tuyển Việt Nam ở UAE

Nói về tình yêu với đội tuyển Việt Nam thì Tuyết cũng như nhiều người khác, đều có tình yêu rõ rệt và Tuyết thường theo dõi không bỏ sót bất cứ trận nào. Tự nhận xét về mình, Tuyết chỉ biết nói đến là vừa xem bóng đá với tình yêu vừa xem vì chuyên môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.