1.001 lý do vi phạm xây dựng tại TP.HCM

14/12/2019 07:48 GMT+7

Tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra tràn lan tại TP.HCM, các địa phương không thể xử lý có 1.001 lý do.

Do tham nhũng

Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, không phép do khó khăn về nhân sự khi đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt. Một số vướng mắc cần xin hướng dẫn như xử lý vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, xử lý công trình xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng, việc cưỡng chế xử lý nhanh đối với công trình vi phạm...
Từ thực tế quản lý tại địa phương cho thấy việc vi phạm trong xây nhà không phép, sai phép của người dân có nguyên nhân từ bất cập của quy định hiện hành. Cụ thể, ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Q.4, cho biết theo quy định hiện hành nhà dưới 15 m2 chỉ được sửa chữa chứ không được cấp phép xây dựng. Trong khi đó trên địa bàn Q.4, số lượng nhà dân có diện tích dưới 20 m2 rất nhiều, chiếm đến 70%. Vì không được cấp phép xây dựng, nên người dân lén xây dựng không phép. Một thực tế nữa là mật độ dân số Q.4 lên đến 44.000 dân/km2, trong khi bình quân của TP chỉ có 11.000 dân/km2. Do đó nhu cầu về chỗ ở của người dân rất bức xúc. Từ đó dẫn đến xây dựng, sửa chữa nhà không phép, sai phép…
Trong khi đó ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND H.Nhà Bè, phản ánh việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm quá chậm. Thực tế hiện nay cho thấy đã gần hết năm 2019 nhưng hiện nay kế hoạch sử dụng đất của nhiều quận, huyện vẫn chưa được TP thông qua khiến người dân không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng đất. Không chuyển được mục đích sử dụng đất nên người dân xây dựng nhà trên đất chưa phải là đất ở. Đây cũng là nguyên nhân xây nhà không phép.
Theo UBND H.Bình Chánh, tại một số ấp, xã, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu chưa đạt hiệu quả, có dấu hiệu che giấu vi phạm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn H.Bình Chánh và UBND các xã chưa chặt chẽ, nhiều công trình xây dựng không được phát hiện, xử lý kịp thời. Trong khi đó, theo UBND Q.12, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn biến phức tạp là do công tác quản lý của chính quyền có nơi còn chưa nghiêm, còn những thiếu sót, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép. Đặc biệt, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Trong một hội nghị về trật tự xây dựng mới đây, Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM chỉ rõ nguyên nhân khiến xây dựng không phép, sai phép diễn ra ở hầu hết các địa phương bởi có tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực này. Theo đánh giá, ngoài lĩnh vực thuế, hải quan, quản lý thị trường, trật tự đô thị, trật tự giao thông, đất đai, tài nguyên môi trường, đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp thì đây được xem là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay.

Xử lý con người

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, hiện TP đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhất nước. Hệ thống quản lý về trật tự xây dựng được giám sát chặt từ TP là Thanh tra Sở Xây dựng đến các quận, huyện là quản lý đô thị, cấp phường xã là cán bộ địa chính và cấp khu phố là các tổ trưởng tổ dân phố, thậm chí là công an khu vực cũng có thể tham gia giám sát về trật tự xây dựng, chưa kể giám sát từ chính người dân thông qua việc phát hiện những vụ xây dựng không phép, sai phép. Thế nhưng vi phạm xây dựng vẫn đang diễn ra và trở thành “vấn nạn”.
“Với hệ thống quản lý, giám sát này, để xảy ra các công trình vi phạm xây dựng là điều rất khó nếu không có sự bao che, làm ngơ, tiêu cực, thậm chí “bảo kê” của những cán bộ có thẩm quyền. Không phải nói vống lên, nhưng có một thực tế, người dân khi vi phạm xây dựng thì ngay lập tức thanh tra xây dựng, quản lý đô thị, cán bộ địa chính ập đến bắt ngay, còn cán bộ vi phạm công khai thì chẳng ai nói gì. Thế nên vấn đề cốt tử vẫn là con người. Do đó cần xử lý thật nghiêm những cán bộ, tổ chức liên quan dù với bất cứ lý do gì đã để xảy ra xây dựng sai phép, xây dựng không phép. Chỉ có xử lý thật nghiêm cán bộ công chức đã để xảy ra vi phạm xây dựng và cần cưỡng chế ngay các công trình vi phạm thì lập tức xây dựng không phép, sai phép”, luật sư Phượng nhận xét.
Trong khi đó, Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho rằng ngoài việc triển khai và thực hiện nghiêm về chống tham nhũng thì cần chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực này để phòng ngừa tham nhũng. Nghiên cứu các chương trình ứng dụng phần mềm về tiếp nhận và quản lý vi phạm xây dựng cũng như xác định tránh nhiệm của cán bộ quản lý trật tự xây dựng để hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình phát hiện, xử lý vi phạm xây dựng. Đồng thời cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng xin giấy phép xây dựng, hạn chế tình trạng xây dựng không phép phải “thỏa hiệp” với cán bộ quản lý trật tự xây dựng. “Đơn giản hóa thông tin về cấp phép xây dựng, chỉ nên quy định một số nội dung cơ bản trên giấy phép xây dựng như tầng cao, diện tích sàn, số tầng, kết cấu công trình mà không cần quy định chi tiết về vị trí các công trình phụ, cầu thang, lỗ thông tầng, ban công… để hạn chế cán bộ quản lý trật tự xây dựng lạm dụng bới lông tìm vết, bắt bẻ sai sót các chi tiết không quan trọng để nhũng nhiễu, vòi vĩnh”, Ban Nội chính Thành ủy kiến nghị.
Ngoài các giải pháp trên, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã yêu cầu các quận huyện rà soát để điều chỉnh quy hoạch 1/200. Đối với những công trình công cộng như công viên, giao thông, giáo dục, nhà nước phải thu hồi đất thật nhanh, bồi thường nhanh để đưa dự án vào triển khai và để giữ đất. Trong nội thành hạn chế “chấm” đất ở làm công viên cây xanh mà phân bổ ra ngoại thành, ở các dự án để bù diện tích cây xanh. Trong thời gian tới mọi công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
UBND 24 quận huyện phải rà soát, tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất/quy mô lớn, nghiêm trọng trên địa bàn. Mỗi quận huyện phải tổ chức cưỡng chế ít nhất hai công trình. Bên cạnh đó là các giải pháp như ngưng cung cấp dịch vụ điện nước, ngừng đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu/tạm trú, phong tỏa tài sản, cưỡng chế tháo dỡ, cưỡng chế khấu lương/tài khoản, kê biên tài sản, ngăn chặn xuất cảnh... cũng sẽ được thực hiện. Công an tập trung xác minh, đấu tranh, xử lý hình sự các nhóm, đối tượng đầu nậu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định, bảo kê xây dựng không phép.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.