11 cột mốc trên biển: Điểm A6 xa nhất

06/07/2023 06:30 GMT+7

Hòn Hải (Hòn Hài) được mệnh danh là "đảo đá khổng lồ trên Biển Đông", nằm cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 60 km về phía đông nam. Trên điểm cao Hòn Hải có đặt mốc cơ sở lãnh hải A6. Đây là điểm xa nhất của đường viền nội thủy nước ta ở vùng nam Biển Đông.

Đảo của công nhân hải đăng

Trước năm 1998, trên đảo Hòn Hải không có người sinh sống thường xuyên. Đầu năm 1999, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Bộ Tư lệnh công binh bắt đầu các bước khảo sát và xây dựng hạ tầng trên đảo Hòn Hải.

"Năm 2001, phải nghỉ thi công 5 tháng vì sóng gió. Năm 2002, việc thi công bị đình trệ trong 4 tháng. Hết quý 1/2003, mới đưa được công binh lên đảo và 2 tháng mới bốc được 1 chuyến hàng. Năm 2002, gần 540 tấn vật tư các loại bị sóng cuốn xuống biển, 1 trụ neo tàu bị phá hủy, hàng chục công nhân bị thương, suýt bị cuốn trôi xuống biển", ông Bùi Đức Thắng, nguyên Giám đốc Công ty Bảo đảm hàng hải Nam Trung bộ, liệt kê vậy và cho biết: Gần 5 năm trời thi công, cuối 2004, trạm hải đăng Hòn Hải mới hoàn thành, chuyển giao cho Công ty Bảo đảm hàng hải Nam Trung bộ quản lý, vận hành. Tháng 5.2005, các công nhân hải đăng Hòn Hải chính thức có nhà ở, thoát cảnh ngủ đường hầm trong lòng núi.

11 cột mốc trên biển: Điểm A6 xa nhất - Ảnh 1.

Đảo Hòn Hải nhìn từ trên cao

TRẦN ĐẠI TÂM

Từ khi đi vào hoạt động (2004) đến nay, trên đảo Hòn Hải chỉ có công nhân trạm hải đăng sinh sống, làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sáng 21.12.2020, trong lúc kiểm tra thiết bị ở cầu cảng, 2 công nhân trạm hải đăng Hòn Hải là Đoàn Cao Trai và Võ Thành Nam đã bị sóng biển ào lên cuốn đi, mất tích trên biển.

Rất khó lên đảo

Cuối tháng 12.2015, sau 3 lần từ TP.HCM ra Khánh Hòa chờ đợi, chúng tôi theo tàu 375 của Công ty Bảo đảm hàng hải Nam Trung bộ, xuất phát từ cảng Cam Ranh ( Khánh Hòa) ra đảo Hòn Hải cấp hàng tết cuối năm. Nhổ neo từ chiều hôm trước, sáng hôm sau mới ra đến đảo và sau gần 1 tiếng lao vào - lùi ra để tránh sóng, chúng tôi mới nhảy được lên cầu cảng.

Tranh thủ lúc thủy thủ tàu và công nhân hải đăng chuyển hàng hóa lên đảo, chúng tôi chạy vội theo đường hầm lên điểm cao nhất của đảo. Thời điểm này, cột mốc đánh dấu đường cơ sở chưa được xây dựng, nên trên điểm cao, chỉ có ngọn hải đăng chớp sáng. Sau gần 2 tiếng đồng hồ tác nghiệp, chúng tôi lại phải hộc tốc chạy xuống, chờ tàu gí mũi vào ngang cầu cảng, nhảy lên boong tàu quay về lại ngay, vì biển bắt đầu động lại.

11 cột mốc trên biển: Điểm A6 xa nhất - Ảnh 2.

Phù điêu cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Hòn Hải

TRẦN ĐẠI TÂM

11 cột mốc trên biển: Điểm A6 xa nhất - Ảnh 3.

Lên đảo Hòn Hải bằng cần cẩu, tháng 4.2019

M.T.H

Giữa năm 2018, chúng tôi lại theo tàu 375 ra Hòn Hải. Thời điểm này vốn được coi là "sóng yên biển lặng" và là chuyến tiếp tế - thay ca thứ 2 trong năm cho Hòn Hải (3 tháng/lần), nên hy vọng sẽ ghi được nhiều hình ảnh về hòn đảo cũng như cuộc sống của công nhân. Tuy nhiên, khi ra đến gần Hòn Hải, thuyền trưởng Văn cho tàu chuyển hướng vào đảo Phú Quý bởi "anh em trên đảo báo là sóng ngầm quanh đảo rất mạnh, phải đợi khi nào lặng sóng, tranh thủ lao ra". Sau gần 1 tuần chờ đợi, chúng tôi phải về bờ, bỏ ý định lên Hòn Hải lần 2 vì thời tiết xấu.

Đầu tháng 4.2019, chúng tôi tham gia diễn tập của Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) tại khu vực biển Hòn Tý và theo tàu Trường Sa 14 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 hải quân) từ quân cảng Cam Ranh. Tàu Trường Sa 14 hạ xuồng, chở chúng tôi đi cùng chỉ huy cuộc diễn tập lên đảo Hòn Hải để quan sát. Thời điểm này, phần cầu cảng bị hư hại nặng nề vì sóng gió. Khối bê tông cầu cảng bị tách ra khỏi phần thân đảo, công nhân phải làm thang gỗ để vượt qua vết nứt sâu hoắm.

Cơ động lên đỉnh cao nhất của đảo, chúng tôi thấy ngoài ngọn hải đăng, hệ thống năng lượng mặt trời, cột tiếp sóng Viettel, đã có thêm 1 phù điêu cờ đỏ sao vàng làm bằng bê tông, ốp gạch đỏ, mới xây dựng.

Đặc biệt, các công nhân hải đăng chỉ khối hình chữ nhật màu đỏ, ngay cạnh chân cột phát sóng, nói là "Mốc đánh dấu đường cơ sở A6". Quan sát kỹ, mới thấy đây đúng là mốc bởi có hàng chữ ghi thông tin. Tuy nhiên, hàng chữ này rơi rụng nhiều, chỉ để lại lờ mờ dấu vết.

Mốc cơ sở A6 đã được tu sửa

Đầu tháng 5.2023 chúng tôi ra lại Hòn Hải. Thời tiết thuận lợi, nên chiếc tàu đánh cá cập đảo thuận lợi. Trên đảo, những công trình hư hỏng mà chúng tôi chứng kiến từ đầu năm 2019 đã được sửa chữa. Đặc biệt, điểm mốc cơ sở lãnh hải A6 đã được sửa chữa lại.

Thông tin trên mốc, không gắn vào như trước, mà sơn chữ màu vàng trên nền đá nâu đỏ "Điểm cơ sở A6 theo tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Tọa độ N 09˚58'00" - E 109˚05'04" thuộc đảo Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận. Tọa độ mốc cơ sở N 09˚58'27" - E 109˚05'04". Cách điểm cơ sở 840 m theo phương vị 187˚38'48"". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.