Từ TP.HCM tôi bay ra sân bay Phù Cát (Bình Định) và thuê xe chạy ra xã Nhơn Lý. Hỏi thuê phương tiện ra điểm cơ sở A9 - Hòn Ông Căn, ai cũng lắc đầu: "Chở đi vòng quanh xem Eo Gió - Kỳ Co và FLC thôi".
Lần mò ra cảng cá Nhơn Lý, may gặp được ông Tư Đò đã làm nghề chạy thuyền lâu năm ở đây. Nghe đến mốc cơ sở A9, ông Tư Đò cười: "Hồi làm cột mốc ấy, họ thuê tôi chở vật liệu xây dựng và nước ngọt ra đấy".
Ông Tư Đò đồng ý chở tôi ra Hòn Ông Căn với giá 500.000 đồng. Mặc dù chiều dài theo đường chim bay chỉ gần 7 km nhưng chiếc thuyền nhỏ phải chạy cả tiếng đồng hồ do ngược sóng.
Hòn Ông Căn, nhìn trên bản đồ là 3 hòn đảo đá nằm sát nhau. Mốc A9 nằm ở hòn ngoài cùng hướng ra Biển Đông, nên ông Tư Đò khéo léo ghé thuyền vào hỏm đá phía sau cho tôi nhảy lên và chỉ hướng lách qua những tảng đá to, trèo lên đảo. Còn ông Tư Đò chạy thuyền ra ngoài ngồi câu cá, chờ khi nào xong vào đón.
Mốc A9, mặt phía đông nguyên vẹn các thông tin, cờ Tổ quốc và hình trống đồng. 3 mặt còn lại, đều bị rơi rớt biểu tượng cờ, trống đồng và những vật này nằm khắp nơi xung quanh. Phía tây bắc cột mốc, có đường xi măng dẫn ra 2 mốc định hướng do Bộ TN-MT xây dựng. Từ mốc cơ sở, hướng về phía tây bắc là đường bê tông làm thành bậc để lên xuống chỗ đậu thuyền dưới chân đảo. Tuy nhiên, do địa điểm này hướng ra biển nên sóng to, thường là tàu thuyền không cập được.
Khi tôi hỏi, ông Tư Đò cho biết: mốc bị hư hại từ lâu, nhưng không thấy ai ra kiểm tra. Người dân địa phương rất ít biết điểm mốc này do chỉ đi đánh cá ngang qua, chẳng có việc gì để lên do đảo toàn đá.
(còn tiếp)
Bình luận (0)