110 bài báo khoa học trong hội thảo quốc gia về công nghệ thông tin, ứng dụng

24/07/2022 14:27 GMT+7

110 bài báo khoa học của gần 400 tác giả trong và ngoài nước đã gửi đến hội thảo khoa học quốc gia về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực lần thứ 11 (CITA 2022) do Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đăng cai tổ chức.

Ngày 23.7, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng trong các lĩnh vực, lần thứ 11 (CITA 2022).

PGS-TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT và truyền thông Việt Hàn, ĐH Đà Nẵng, phát biểu khai mạc hội thảo

Lê Huy

Gần 50% bài báo viết bằng tiếng Anh

Hội thảo đã nhận được 110 bài báo khoa học của gần 400 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có gần 50% bài báo viết bằng tiếng Anh, gửi tham gia với các nội dung liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin, kinh tế số, mạng truyền thông, chuyển đổi số và đô thị thông minh...

Ban tổ chức chọn 60 bài báo để xuất bản trong kỷ yếu, trong đó có 4 bài báo chọn xuất bản trong số dành riêng cho CITA 2022 của chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ISSN 1859-3526), tạp chí Thông tin và truyền thông uy tín của Bộ TT-TT.

Ngoài ra, có thêm 9 bài báo được lựa chọn để trình bày với hình thức “Poster Presentation” tại hội thảo.

Theo PGS-TS Huỳnh Công Pháp (Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT và truyền thông Việt Hàn VKU - ĐH Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức hội thảo CITA 2022), tất cả bài báo đều được phản biện nghiêm túc, chặt chẽ và kỹ lưỡng bởi ít nhất 2 thành viên phản biện. Ngoài ra, các bài báo được cố vấn chuyên môn bởi các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực CNTT và kinh tế số như GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS-TS Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), GS-TS Dosam Hwang (Hàn Quốc), PGS-TS Lê Minh Hòa (Anh quốc)…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Lê Huy

Tại hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành (ĐH Bách khoa Wroclaw, Ba Lan) trình bày báo cáo đề dẫn về các vấn đề và xu hướng phát triển trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và kinh tế số trên thế giới hiện nay. Các tác giả và nhóm tác giả cũng đã tham gia 11 phiên thảo luận chuyên đề liên quan đến CNTT, truyền thông và kinh tế số.

Sẽ thương mại hóa các sản phẩm CNTT từ nhà trường

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS-TS Lê Anh Phương (Giám đốc ĐH Huế kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế) đánh giá cao vai trò tiên phong của Trường ĐH CNTT và truyền thông Việt - Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng trong việc khởi xướng, quy tụ, hình thành nên cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT khu vực miền Trung - Tây nguyên và của cả nước.

Cộng đồng này có thêm điều kiện để trao đổi học thuật, nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT thông qua hội thảo CITA được tổ chức hằng năm. Cũng với mong muốn có cơ hội kết nối giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy CNTT, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đăng cai tổ chức hội nghị lần này.

Hội thảo do VKU phối hợp với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tổ chức, cùng sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực CNTT, kinh tế số tại miền Trung - Tây nguyên và Hội Tin học TP. Đà Nẵng.

PGS-TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế kiêm Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Huế, phát biểu chào mừng hội thảo

Lê Huy

Được khởi xướng vào năm 2012, CITA do VKU chủ trì là chuỗi hội thảo khoa học quốc gia về CNTT và ứng dụng trong các lĩnh vực. Hội thảo tổ chức hằng năm, tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia thảo luận, chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực CNTT và ứng dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.