112.368 người nhiễm HIV tử vong, 25% ca nhiễm mới tại TP.HCM

01/12/2022 09:47 GMT+7

Sau 32 năm ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam, cả nước hiện có 220.580 người nhiễm HIV còn sống; 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong; 25% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc ghi nhận tại TP.HCM.

Tình dục không an toàn là đường lây nhiễm chính

Đánh giá dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc. Riêng TP.HCM chiếm hơn 1/4 (25%) số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).

Việt Nam tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động can thiệp giảm lây nhiễm HIV như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao

nam sơn

Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu (tiêm chích ma túy), trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục (81,6%).

Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 mỗi năm trong nước phát hiện được hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV, nhưng 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.

Can thiệp giảm lây nhiễm

Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động can thiệp giảm lây nhiễm như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM). Trong 10 tháng đầu năm nay, các tỉnh, thành đã tiếp cận được hơn 100.000 MSM.

Xét nghiệm sàng lọc HIV hiện đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở; và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Đặc biệt, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) đã triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, lưu động...

PrEP là sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới). Hiện đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 40.020 khách hàng; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Cá nước hiện có 499 cơ sở điều trị HIV/AIDS với 96% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (ngăn ngừa được lây truyền HIV qua quan hệ tình dục).

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 là bệnh nhân nữ ở TP.HCM, đến tháng 10.2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.

“Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” được lựa chọn là chủ đề của ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1.12 tại Việt Nam năm nay. Chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV trong nước.

Xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ; nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây.

Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%).

Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.