UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản trình Bộ KH-ĐT xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Liên danh nhà đầu tư Công ty CP tập đoàn T&T, Công ty CP đầu tư tập đoàn Phương Trang đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ nối với cao tốc Liên Khương - Prenn vào TP.Đà Lạt |
A.T |
Tuyến cao tốc này sẽ đi qua TP.Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, với tổng chiều dài khoảng 73,64 km. Điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc (điểm cuối của dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc), điểm cuối tại Km200+000, giao với đường cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650 (H.Đức Trọng).
Giai đoạn 1 của dự án thực hiện năm 2022 - 2025 với quy mô nền đường rộng 17 m (riêng phần đường 4 làn xe rộng 14 m), tốc độ khai thác 80 km/giờ, khoảng 8 km bố trí 1 vị trí dừng xe khẩn cấp có nền đường rộng 20,5 m. Tại các vị trí nút giao liên thông thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có nền đường rộng 24,75 m.
Theo báo cáo ban đầu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 12.532 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỉ đồng và vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỉ đồng).
Cao tốc hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng |
A.T |
Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2030, đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 4 làn xe ô tô, nền đường rộng 24,75 m cho toàn tuyến và đầu tư bổ sung, mở rộng khoảng 30 km đường gom thành đường song hành. Tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 5.420 tỉ đồng, 100% nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
Trạm thu phí được đặt trên tuyến đường mở mới, mức giá vé thu phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, lộ trình tăng vé theo phương án tài chính của dự án. Thời gian thu phí hoàn vốn của giai đoạn 1 dự kiến khoảng 17 năm 7 tháng (từ 2026 - 2043); thời gian thu phí giai đoạn 2 dự kiến khoảng 10 năm 7 tháng.
Để thực hiện dự án cao tốc này, tỉnh Lâm Đồng sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 3,07 ha; trong đó rừng sản xuất là 1,17 ha và rừng trên đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp và 1,90 ha.
Bình luận (0)