12 năm, trung tâm văn hóa phải 5 lần đổi chỗ

18/05/2020 08:00 GMT+7

Không những không có trụ sở để hoạt động, Trung tâm văn hóa - điện ảnh TP.Đà Nẵng thậm chí còn phải chuyển đến 5 lần trong 12 năm qua, gây xáo trộn hầu hết các hoạt động nghệ thuật.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh (VH-ĐA) TP.Đà Nẵng, khi nhắc đến “cuộc sống nay đây mai đó” của đơn vị do mình quản lý cứ thở dài. Câu chuyện “du cư” của Trung tâm VH-ĐA TP.Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2008 khi TP quyết định lấy lô đất “vàng” 84 Hùng Vương - nơi trung tâm đóng chân từ sau năm 1975, để giao cho một doanh nghiệp xây dựng cao ốc. Trong ký ức của nhiều người dân Đà Nẵng, hệ thống gồm Nhà hát Trưng Vương, quảng trường và Trung tâm văn hóa 84 Hùng Vương là địa chỉ giải trí, vui chơi sôi nổi, tọa lạc ngay trung tâm TP... “Thế nhưng, vì phát triển kinh tế, chúng tôi phải nhường lô đất này để chuyển về ngôi nhà cũ tại số 68 Trần Phú. Các hoạt động do trung tâm gầy dựng trước đó dừng hẳn. Trong 3 năm ở tại địa chỉ này, các hoạt động nghệ thuật gần như chìm hẳn”, ông Bảy kể.
Đến tháng 2.2011, TP.Đà Nẵng quyết định di chuyển trung tâm về Nhà biểu diễn đa năng (1A Phan Đăng Lưu). Nhờ có không gian khá tốt, trung tâm bắt đầu gầy dựng lại các hoạt động kịch nói, văn nghệ tại cơ sở… Nhưng mới vừa ổn định thì năm 2015, TP có quyết định di chuyển trung tâm về số 102 Lê Lợi để nhường lại khu đất cho một dự án khác. Đầu năm 2016, trung tâm tiếp tục di chuyển về vị trí mới (32 Bạch Đằng) để nhường vị trí này xây dựng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Nhiều hoạt động nổi bật thu hút du khách như vũ điệu đường phố, hô hát bài chòi… lại được xây dựng. Tuy nhiên, vừa ấm chỗ, hồi tháng 3 vừa qua, trung tâm lần nữa phải di chuyển đến “ở nhờ” Trung tâm hội chợ triển lãm (9 Cách Mạng Tháng Tám), được bố trí tại tầng 3 của khu nhà cùng một khu đất nhỏ làm nhà kho.
Ông Bảy cho hay vào tháng 9.2019, UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương giao cho Trung tâm VH-ĐA một khu đất rộng khoảng 1.000 m2 để xây dựng làm cơ sở tạm. Thế nhưng đến tháng 3.2020, TP yêu cầu trung tâm di chuyển khi chẳng có cơ sở tạm nào được xây dựng.
Theo ông Bảy, hiện trung tâm có 20 câu lạc bộ với khoảng 1.000 hội viên nên rất cần nơi sinh hoạt. “Tôi khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP để trung tâm “an cư”. Chúng tôi di chuyển nhiều lần rồi”, ông Bảy nói.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, đánh giá Trung tâm VH-ĐA TP là một thiết chế văn hóa quan trọng, đóng vai trò là “bộ mặt” của một địa phương. Nhưng tại Đà Nẵng, nhiều năm qua TP vẫn cứ loay hoay. Tại nhiều cuộc họp với lãnh đạo TP, ngành văn hóa đều đề xuất bố trí một lô đất cho Trung tâm VH-ĐA TP nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. “Vừa qua, Chủ tịch UBND TP có ý kiến khi quy hoạch công viên Thanh Niên cần có điều chỉnh và lưu ý dành quỹ đất cho Trung tâm VH-ĐA TP. Đã đến lúc lãnh đạo TP nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về việc xây dựng Trung tâm VH-ĐA”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng UBND TP cần quan tâm lựa chọn địa điểm để đặt Trung tâm VH-ĐA TP ở vị trí ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.