12 ngư dân mất tích có khả năng bị chìm theo tàu

19/10/2023 05:53 GMT+7

Máy bay, tàu nước ngoài cùng tích cực tham gia cứu nạn các ngư dân đang mất tích do hai tàu cá bị lốc xoáy đánh chìm ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam.

TÀU CHÌM Ở VÙNG BIỂN CÓ ĐỘ SÂU KHOẢNG 4.000 M

Chiều 18.10, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về việc hai tàu câu mực của ngư dân địa phương bị chìm làm 15 ngư dân chết và mất tích. Theo đó, đến 18 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích nào. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm phát hiện nhiều ngư cụ, vật dụng trôi nổi trên mặt biển xung quanh khu vực tàu chìm, như: phao, thùng phuy, áo quần, chăn màn…

12 ngư dân mất tích có khả năng bị chìm theo tàu - Ảnh 1.

Các ngư dân gặp nạn được chăm sóc sức khỏe

NAM THỊNH

Theo nhận định của ông Lương Văn Viên, thuyền trưởng tàu QNa-90129 TS (tàu bị chìm), có khả năng 12 thuyền viên mất tích đã chìm theo tàu. Bởi sau khi bị lốc xoáy làm tàu nghiêng rồi chìm rất nhanh, số ngư dân này có thể không thoát ra kịp, bị mắc kẹt trong khoang tàu. Vị trí tàu QNa-90129 TS chìm có độ sâu vài ngàn mét nên lực lượng tìm kiếm không có khả năng trục vớt.

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Trương Bá Long, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2, cho hay hiện tàu CSB 8002 đã tiếp cận được tàu cá QNa-90039 TS (tàu đã cứu các ngư dân tàu Qna-90129 TS) vào khuya 17.10. Tàu CSB 8002 sẽ đảm bảo việc ăn ở, chăm sóc y tế cho ngư dân, có phương tiện đặc dụng bảo quản các thi thể ngư dân đã tử vong.

"Sau khi tìm kiếm các khu vực được giao nhưng không tìm thấy tung tích ngư dân, tàu CSB 8002 cũng đã mở rộng phạm vi tìm kiếm. Vùng biển tàu cá QNa-90129 TS gặp nạn rất sâu, tới khoảng 4.000 m, nên rất khó tiếp cận tàu chìm. Trong trường hợp ngư dân trôi dạt thì còn dễ tìm kiếm, chứ nếu mắc kẹt trong khoang tàu đã chìm thì rất khó", thượng tá Long nói.

Hy vọng một phép màu

Càng về chiều, mưa càng nặng hạt khiến bầu trời ở xã biển Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) nhanh tối. Nhiều người thân, hàng xóm tập trung ở các gia đình có ngư dân mất tích để thăm hỏi, động viên. Tất cả đều hy vọng về một phép màu sẽ xảy ra từ phía biển.

12 ngư dân mất tích có khả năng bị chìm theo tàu - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Ngọc Thúy khóc nức nở nghe nhắc về chồng

MẠNH CƯỜNG

Trong căn nhà cấp 4, bà con, họ hàng của bà Bùi Thị Ngọc Thúy (47 tuổi, vợ ngư dân Đặng Thanh Quang) đã túc trực từ suốt đêm qua để động viên bà. Theo bà Thúy, khoảng 10 giờ ngày 17.10, khi bà đang bán mì ở chợ Tam Quang thì nhận được điện thoại của em dâu báo tàu chồng bà đi đã bị lốc xoáy đánh chìm trên vùng biển Trường Sa. Để xác thực thông tin, bà Thúy nhờ người chở qua nhà thuyền trưởng Lương Văn Viên ở xã Tam Giang. Và khi nghe thông tin từ vợ thuyền trưởng, bà ngã quỵ.

"Chồng tôi gắn bó với con tàu của thuyền trưởng Viên suốt 13 năm nay. Hồi cơn bão Chan Chu xảy ra năm 2006, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân thì anh ấy cũng ở trên biển. Rồi 2 lần tàu bị chết máy, va phải tàu hàng, lần nào anh ấy cũng đều trở về bình an. Chỉ mong lần này anh ấy cũng thoát nạn", bà Thúy nói trong nước mắt.

Đến từng nhà ngư dân còn mất tích để thăm hỏi, động viên, thượng tá Trần Văn Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà, cho biết các cấp, ngành đang nỗ lực từng phút, từng giây tìm kiếm 13 ngư dân mất tích.Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay ở vị trí tàu bị nạn QNa-90129 TS, ngoài các tàu cá, lúc 20 giờ ngày 17.10 đã có 1 máy bay và 1 tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Phát thông báo hàng hải tăng cường cảnh giới để tìm kiếm 13 ngư dân mất tích

Bộ GTVT vừa có Công điện số 51 đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam nắm chắc số lượng tàu biển đang hành trình hoặc có kế hoạch hành trình qua khu vực 2 tàu cá bị nạn, triển khai các nghiệp vụ tìm kiếm qua các ứng dụng AIS, LRIT, Seavision, Marinetrafic để huy động các tàu hành trình qua khu vực bị nạn hỗ trợ tìm kiếm. Ngoài ra, phát thông báo hàng hải yêu cầu tăng cường cảnh giới để phát hiện và cứu nạn 13 ngư dân mất tích.

Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 1 giờ ngày 17.10, tàu cá QNa-90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi, ở xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, đang hoạt động cách bờ biển TP.Quy Nhơn khoảng 240 hải lý và cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý thì bị lốc xoáy đánh chìm. Tàu cá QNa-91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã cứu được 38 ngư dân, 1 ngư dân của tàu này mất tích. Ngoài ra, lúc 19 giờ 30 ngày 16.10, tàu cá QNa-90129 TS do ông Lương Văn Viên (57 tuổi, ngụ xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực tại vùng biển Trường Sa của VN thì bị lốc xoáy đánh chìm. Nhận tin, tàu cá QNa-90039 TS hoạt động gần khu vực này đã đến ứng cứu, vớt được 40 thuyền viên, 14 ngư dân đang mất tích. Đến trưa 17.10, ngư dân vớt được thêm 2 người nhưng sau đó đã tử vong.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.