12 nhà giáo, cán bộ lần đầu tiên nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa là ai?

02/12/2022 12:55 GMT+7

Có 12 nhà giáo , cán bộ quản lý xuất sắc lần đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

"Nhà giáo làm hết chức phận của mình, phải hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn vì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho người học". Đó là nhận định của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất năm 2022 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa do UBND TP.HCM ban hành quy chế xét tặng, được tổ chức 2 năm một lần, dành cho tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tựu nổi bật đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy thành phố phát triển và hội nhập.

Ông Dương Anh Đức (phải) và ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trao giải thưởng cho một giáo viên

mỹ quyên

Được biết, đối tượng xét tặng giải bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tỉnh thành phố khác có địa điểm đào tạo đặt tại thành phố).

Bên cạnh đó là tập thể cá nhân có đề tài nghiên cứu khoa học, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến có ứng dụng đóng góp cho sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thành phố.

Năm nay, có 12 nhà giáo, cán bộ quản lý được trao tặng giải thưởng này. Đó là ông Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM; bà Nguyễn Bá Thảo Dung, Trưởng khoa Múa Trường Trung cấp Múa TP.HCM; ông Phan Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách nghệ TP.HCM; ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị Trường CĐ Nghề TP.HCM; ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn; ông Lâm Viết Dũng, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính-Tổng hợp Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM; Bà Trần Thị Bạch Đào, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn; ông Lê Thanh Phong, Trưởng khoa Điện lạnh Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Thủ Đức; bà Đoàn Phúc Linh Tâm, Trưởng khoa Múa dân gian-dân tộc Trường Trung cấp Múa TP.HCM; ông Nguyễn Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng; ông Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM và ông Bốc Minh Trí, giáo viên Trường Trung cấp Bách nghệ TP.HCM.

Ông Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM (thứ 3 từ phải vào), được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay

MỸ QUYÊN

Tại lễ trao giải, ông Dương Anh Đức cho rằng giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, là nơi đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Lực lượng lao động này phải có năng lực hành nghề, có khả năng sáng tạo và thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Góp phần cho sự thành công, phát triển của giáo dục nghề nghiệp thành phố ngày hôm nay và trong tương lai, là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Nhà giáo làm hết chức phận của mình, phải hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn vì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho người học”, ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Trong phần giao lưu, ông Lê Thanh Phong, Trưởng khoa Điện lạnh Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Thủ Đức, cho biết bản thân luôn mong muốn đào tạo ra lực lượng lao độngkỹ năng. “Là một nhà giáo, tôi luôn tâm niệm ngoài việc giảng dạy kiến thức kỹ năng còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi chuyên môn, qua đó thể hiện sự sáng tạo, đưa ra sáng kiến thay đổi để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Phong bày tỏ.

Trong khi đó, bà Đoàn Phúc Linh Tâm, Trưởng Khoa Múa dân gian-dân tộc Trường Trung cấp Múa TP.HCM, cho rằng là giáo viên, mỗi ngày đều phải không ngừng học hỏi và ngay trong quá trình dạy cũng có thể học hỏi từ chính học trò của mình. Ông Phan Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách nghệ TP.HCM, chia sẻ sự thành công của người học trò chính là động lực để bản thân tiếp tục tận tâm với nghề, đưa ra các sáng kiến, phương pháp quản lý và dạy học mới hiệu quả hơn.

Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM có 371 cơ sở đào tạo, hằng năm cung ứng cho thị trường lao động 125.000 người, với tỷ lệ người học có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó CĐ là 88,6%, trung cấp là 82,56%.

Theo ông Dương Anh Đức, chất lượng đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố và cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.