12 trận động đất ở Kon Tum, các thủy điện tại Quảng Nam có bị ảnh hưởng không?

24/08/2022 18:36 GMT+7

Các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa ghi nhận vấn đề gì bất thường, và đang hoạt động bình thường sau hàng loạt trận động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum , gây rung chấn cực mạnh ở địa bàn tỉnh này.

Chiều 24.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Xuân Thế, Phó giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương (đóng tại xã Mà Cooih, H.Đông Giang), cho biết Nhà máy thủy điện A Vương được thiết kế chịu trọng lực ổn định khi có động đất 7 độ richter. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, sau hàng loạt trận động đất xảy ra tại H.Kon Plông (Kon Tum), công ty đã cho kiểm tra toàn diện các hạng mục công trình của nhà máy.

Các thủy điện vẫn đảm bảo an toàn

Theo ông Thế, trước tình hình diễn biến động đất còn phức tạp, thực hiện yêu cầu của Bộ Công thương tại Công văn số 1434/ATMT-ATĐ ngày 24.8, công ty đã cho kiểm tra toàn diện công trình nhà máy kể cả đập, lòng hồ, vách hồ, tình trạng sạt lở lòng hồ, tuyến ống nghiêng, các vách ta luy, nhà van, tháp điều áp, khu vực trạm... Ngoài ra, tổ chức kiểm tra các tuyến đường vận hành, cửa van cung, các thiết bị cơ điện.

Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn dù động đất ở Kon Tum gây rung chấn mạnh

mạnh cường

“Qua kiểm tra toàn diện, tất cả đều an toàn, chưa có điều gì bất thường. Hiện Nhà máy thủy điện A Vương vẫn hoạt động bình thường”, ông Thế khẳng định.

Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (đóng tại xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My), cho biết trận động đất này chưa gây ảnh hưởng lớn đến thủy điện. Qua kiểm tra thực tế, mọi hoạt động của thủy điện vẫn đang bình thường.

Một lãnh đạo Công ty CP thủy điện Đăk Mi cũng cho hay, Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (đóng tại H.Phước Sơn) vẫn đang hoạt động bình thường và không ảnh hưởng gì sau hàng loạt trận động đất xảy ra tại Kon Tum.

Quảng Nam xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa động đất

Viện Vật lý địa cầu Việt Nam vừa ghi nhận 12 trận động đất trên địa bàn H.Kon Plông chỉ trong 12 giờ đồng hồ, với cường độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ richter. Đặc biệt, trận động có độ lớn 4,7 độ richter, xảy ra vào khoảng 14 giờ 8 phút, tại vị trí có tọa độ 14,768 độ vĩ bắc, 108,209 độ kinh đông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Đây được xem là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay tại Kon Tum.

Bản đồ rung chấn trận động đất có cường độ 4,7 độ richter

viện vật lý địa cầu

Điều đáng nói, trận động đất 4,7 độ richter không chỉ ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn, mà còn gây rung chấn cực mạnh ở địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng khiến nhiều người cảm nhận rõ sự rung lắc, chao đảo, mất thăng bằng.

Sau khi hàng loạt trận động đất xảy ra trên địa bàn Kon Tum, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các ngành, đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến động đất, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần ở các cấp trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục).

Ngoài ra, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của động đất, kịp thời thông tin, cảnh báo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó kịp thời.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn, Viện Vật lý địa lý địa cầu cho hay, hàng loạt trận động đất vừa qua tại Kon Tum là động đất kích thích.

Theo ông Phương, ở vùng này có 1 công trình thủy điện. Khi áp lực của hồ chứa nén xuống sẽ tạo ra sự bất ổn định, cộng thêm những đứt gãy nhỏ ở địa phương sẽ phát sinh ra những trận động đất nhỏ.

“Trận mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum vừa rồi là 4,7 độ richter. Còn lại chỉ có độ lớn từ 2,9 - 3,5 độ richter. Đây hoàn toàn phù hợp với động đất kích thích. Các nhà khoa học đã tìm hiểu và xác định nguyên nhân liên quan. Tuy nhiên để dự báo được hoặc phòng chống động đất hiệu quả thì cần nhiều trạm quan sát động đất ở địa phương”, ông Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.