120 chuyện tình nghèo lên xe hoa

09/12/2012 10:21 GMT+7

Ngày 12-12, 120 cặp đôi là thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ tham gia lễ cưới tập thể lớn nhất VN do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

120 cặp đôi là 120 chuyện tình dung dị nhưng cũng đầy lãng mạn. Họ yêu nhau trong khốn khó và cùng chung nguyện ước được sánh bước bên nhau, xây dựng tổ ấm.

Cổ tích hai trái tim vàng

“Anh” nhỏ hơn “em” ba tuổi, vợ người Kinh, chồng người dân tộc Khmer, hai người nên duyên từ một tai nạn tình cờ và đặt dấu chấm ngọt ngào bằng lễ cưới tập thể sau gần bốn năm “yêu xa”... Chuyện tình cặp đôi Ngọc n (26 tuổi, Trà Vinh) - Tuyết Thương (29 tuổi, TP.HCM) hội đủ yếu tố của một câu chuyện cổ tích hiện đại.

Khoe tờ hôn thú, anh n không nhịn được cười khi hồi tưởng lần đầu hai người “chạm trán”: năm đó, trong lúc chen lấn tìm đường thoát thân trong trò “Bí mật kho báu cổ” ở khu du lịch Suối Tiên, anh va phải chị. “Em lúc đó vừa mập vừa dữ, nắm cổ áo anh lôi xệch ra ngoài bắt xin lỗi” - anh ghẹo vợ.

 120 chuyện tình nghèo lên xe hoa
Cả ngày đi làm ở Long An, tối về Sài Gòn, cặp đôi Tú - Quý lại cặm cụi làm đồ thủ công để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Bình Thanh

Yêu nhau nhưng dưới đáy sự cùng khó, chẳng ai dám đề cập chuyện cưới xin. Ba bỏ theo vợ bé, mẹ đi bước nữa, năm chị em côi cút được gửi cho bà ngoại. Bà cháu nương tựa nhau, vất vả phong sương mà cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám. Nhà chị khó, nhà anh còn khó hơn. Lần đầu đứng trước mái lá xiêu vẹo, trong nhà từ hũ muối, cục xà bông cũng thiếu của gia đình anh ở Trà Vinh, nghe ba anh hỏi: “Con thấy nhà cửa vậy mà vẫn quyết thương thằng n hả?”, chị rớt nước mắt.

“Tình yêu đâu dựa trên tiền bạc. Mình thương anh hiền lành, không thuốc lá, rượu bia. Anh thương mình nói chuyện cho mình cười, mình buồn hát vọng cổ cho anh nghe... Có chồng vậy còn đòi gì nữa” - chị Thương thủ thỉ.

Ngày nhận điện thoại của anh bạn bảo có lễ cưới tập thể, giục hai người làm thủ tục đăng ký, anh mất ngủ mấy ngày vì trăn trở. “Lúc đó trong bụng bồn chồn lắm, vì bỏ lỡ dịp này thì không biết đến bao giờ hai đứa mới làm được đám cưới. Hai vợ chồng người công nhân, người thợ hồ, sống qua ngày đã vất vả... Khổ nỗi lúc đó xoay không ra 1 triệu đồng đóng cho ban tổ chức” - anh rầu rĩ nhớ lại. Cũng may cô bạn biết chuyện, thương tình cho mượn tiền đóng phí. Cầm tờ đăng ký cưới tập thể, hai người mừng muốn khóc. “Cuối cùng cũng có được cái đám cưới, có áo dài, soiré, hoa cưới, nhẫn cưới... như người ta” - chị Thương xúc động.

Ngày cưới cận kề, anh chị vẫn chưa dám báo ngày cho ba mẹ anh dưới quê hay. “Anh chị không có tiền gửi về cho ba mẹ đi xe” - chị dụi mắt.

Dù không có ba mẹ trong ngày cưới, nhưng bù lại anh bật mí sẽ biến chị thành cô dâu hạnh phúc nhất bằng màn vọng cổ Tui thương vợ tui - bản nhạc anh đã khiến chị mê mẩn trong cả trăm cuộc điện thoại thuở yêu xa. “Cưới xong, ra tết anh kiếm việc tốt hơn, mình dành dụm làm lễ cưới nhỏ theo phong tục Khmer nghen em!” - anh hỏi vợ. Chị cười tít mắt.

 

Trong lễ cưới tập thể vào ngày 12-12, 120 đôi uyên ương sẽ được diễu hành xe hoa ở khu vực trung tâm TP, dâng hoa tượng đài Bác Hồ, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và nhận giấy chứng nhận kết hôn do lãnh đạo TP trao.

Đóng phí trách nhiệm 1 triệu đồng/đôi, mỗi đôi uyên ương được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí về trang điểm, áo cưới, nhẫn cưới, hoa cưới, xe hoa, thẻ ATM trị giá 2 triệu đồng và bàn tiệc cưới (mỗi đôi/bàn). Ngoài ra, 10 đôi bạn có hoàn cảnh khó khăn nhất còn được tặng thêm cặp nhẫn kim cương trị giá 8 triệu đồng/cặp.

Từ năm 2008 đến nay, 222 cặp đôi thanh niên, công nhân khó khăn đã tham gia lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

Tình yêu không lời

Trong 120 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể, Nguyễn Cẩm Tú (32 tuổi) và Phan Thị Quý (37 tuổi) có lẽ là một đôi đặc biệt bởi họ đều là công nhân khuyết tật bị câm điếc. Hơn ba năm yêu nhau, mọi thông điệp yêu thương họ dành cho nhau chỉ có thể bộc lộ qua ánh mắt cùng đôi tay sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Để ý Quý từ lần đầu gặp nhau trong buổi sinh hoạt dành cho người câm điếc nhưng mãi đến hai năm sau Tú mới đủ tự tin làm quen cô gái hơn mình năm tuổi. Từ sự cảm mến, tình yêu chớm nở trong đôi bạn tự lúc nào. Không thư tình, không nói được lời yêu, chẳng có những buổi hẹn hò lãng mạn, tình yêu của họ giản đơn và bình dị với những món quà nho nhỏ tự tay làm hay những ngày lễ tết cùng nhau đi trẩy hội, xem bắn pháo bông.

Khi yêu nhau, Quý ở nhà học nghề may, còn Tú là công nhân một công ty giày da tại Khu công nghiệp Bến Lức (Long An). Muốn người yêu có thu nhập ổn định và có nhiều thời gian chăm sóc nhau, Tú đã xin cho Quý vào làm chung công ty ở bộ phận hành chính. Hơn một năm nay, đều đặn 4g30 sáng Tú dậy phụ mẹ dọn hàng ra chợ bán rồi chạy xe từ nhà ở Q.8 tới Q.Tân Bình đón Quý, cả hai bắt xe buýt xuống Long An làm việc. Trở về Sài Gòn khi thành phố đã lên đèn, họ ăn vội bữa tối, lúc gói xôi, khi tô phở vỉa hè rồi dắt nhau về cơ sở của tổ chức điếc câm, hối hả làm thêm đồ thủ công kiếm tiền.

Với đôi tay thoăn thoắt và ánh mắt chăm chú, Tú xếp thú giấy còn Quý làm thú móc cần mẫn suốt hai tiếng. “Chắt chiu từng đồng thu nhập, mỗi ngày chúng tôi đều bỏ ống heo tiết kiệm chừng mươi ngàn để dành tiền làm đám cưới” - Quý bộc bạch. Gần 40 tuổi, khát khao làm vợ, làm mẹ luôn thôi thúc khiến Quý trăn trở từng ngày. Nhưng tiền đâu mà cưới, tiền đâu để nuôi con khi cả hai vợ chồng đều khuyết tật, chạy ăn từng bữa còn khó... - nỗi lo lắng đó khiến cả hai đau đáu.

Đọc tin về đám cưới tập thể dành cho thanh niên, công nhân khó khăn trên báo Tuổi Trẻ, bà Phương Thảo (cố vấn Tổ chức Cộng đồng câm điếc TP.HCM) mừng rỡ, lập tức báo tin cho đôi bạn và hỗ trợ họ đi đăng ký kết hôn và làm hồ sơ. Mong ngóng, hồi hộp từng ngày, niềm hạnh phúc vỡ òa trong họ khi hay tin được chọn tham gia đám cưới tập thể lớn nhất VN. Ngày cưới đã cận kề, ngày tết cũng sắp tới, đôi bạn háo hức đi sắm sửa đồ, dù chỉ là đôi xoong chảo mới toanh, dăm ba bộ chén bát mà họ vui vui lạ.

Tú to con, cao 1,82m, nặng 80kg còn Quý nhỏ nhắn với 41kg, cao 1,52m - cặp đôi “đũa lệch” này đang trông chờ từng ngày để được thử đồ cưới và đeo nhẫn “xịn”, thay cho cặp nhẫn đôi mạ bạc họ đeo suốt ba năm sánh bước bên nhau. Gần 40 tuổi nhưng Quý chưa bao giờ được mặc áo dài nên cô rất háo hức. “Em sẽ là cô dâu đẹp nhất” - nheo nheo mắt, vuốt nhẹ má vợ tương lai, Tú nhìn Quý trìu mến, dịu dàng dùng cử chỉ trao lời yêu thương.

Theo Bình Thanh - Hải Thi / Tuổi Trẻ

>> Gia đình lễ cưới tập thể
>> Tổ chức đám cưới tập thể cho 12 cặp công nhân
>> Đám cưới tập thể của tù nhân ở Mexico
>> Đám cưới tập thể lớn nhất của công nhân
>> Hơn 3 tỉ đồng cho lễ cưới tập thể năm 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.