“Mỏi nhừ do hôm qua đi quá số km, tôi bắt đầu ngày 106 muộn hơn thường nhật”, đó là lời chia sẻ mới nhất của người đàn ông đi bộ xuyên Việt từ đêm 30 Tết Ất Mùi đến nay, nhằm mang sách đến cho trẻ em nông thôn VN.
Nguyễn Quang Thạch tặng cuốn sách Góc sân và khoảng trời cho học sinh trường tiểu học Phước Minh (Bình Thuận) - Ảnh: nhân vật cung cấp
|
Những ngày này, Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn VN”, đang được cộng đồng mạng quan tâm, theo dõi sát sao từng bữa ăn, giấc ngủ. Bởi anh đang thực hiện cuộc hành trình độc đáo nhất mà chưa ai làm từ trước tới giờ, đó là đi bộ dọc đất nước để mang sách đến cho trẻ em nông thôn, kêu gọi mọi người cùng chung tay đóng góp nhằm xây dựng những tủ sách đến từng lớp học, từng dòng họ, giáo xứ, gia đình giáo viên và chiến sĩ. Hiện anh đã đi được hơn 1.400 km và đang ở Bình Thuận.
Xác định bản thân sẽ tạo nên hệ thống thư viện dân sự ở VN, Nguyễn Quang Thạch tự mình xoay xở từ nghiên cứu lý thuyết và áp dụng các loại tủ sách ở nông thôn. Trong 15 năm qua Thạch đi làm nhà nước và các dự án quốc tế không ngoài mục đích nuôi dưỡng ý tưởng này. Nghĩa là vừa đi làm kiếm lương để sống vừa nghiên cứu thiết kế các mô hình tủ sách, thiết kế chiến lược truyền thông, chiến lược vận động chính sách.
Cho đến tháng 11.2011, dựa vào kết quả sau nhiều năm vừa nghiên cứu lẫn áp dụng thành công Tủ sách dòng họ và Tủ sách phụ huynh, anh tự tin đứng ra kêu gọi xã hội chung tay bằng mô hình gây quỹ “Góp tiền lẻ vì sách cho nông thôn”. Từ đó đến nay, Chương trình sách hóa nông thôn đã nối kết các nguồn lực xã hội xây dựng hơn 3.800 tủ sách trị giá 8 tỉ đồng, giúp 100.000 học sinh nông thôn được đọc sách như trẻ Hà Nội, nhân rộng 27 tủ sách phụ huynh đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam trong 3 tháng qua. Tính đến nay anh đã bỏ việc ba lần chỉ vì muốn có thời gian để tăng tốc việc sách hóa nông thôn.
“Chúng ta đã lãng phí hàng chục ngàn tỉ trang sách không được đọc trong 40 năm qua. Một điều khó là phần đa phần coi việc giải quyết thiếu sách và khuyến đọc là việc của nhà nước, không đến lượt cá nhân. Hy vọng rằng chuyến đi bộ xuyên Việt này sẽ làm nhiều người thay đổi nhận thức và quyết định đưa sách về chính quê họ. Tôi cũng mong các bộ, ngành có chủ trương cụ thể để thúc đẩy xã hội hóa hệ thống thư viện”, Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Theo khảo sát của Thạch, khi chưa có tủ sách đặt trong lớp học, bình quân mỗi học sinh của trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình chỉ đọc 0,4 cuốn sách trong năm học 2009 - 2010. Sau khi có tủ sách, bình quân mỗi em đọc trên 30 đầu sách trong năm học sau 4 năm hoạt động.
Dù một bên mắt bị mất thị lực hoàn toàn, và cuộc đi bộ còn tới 20 ngày nữa mới hoàn thành, nhưng Thạch vẫn hăm hở một ba lô nặng trĩu trên vai, một cặp kính cận và chiếc nón rộng vành trên đầu… “Điều mà tôi hạnh phúc nhất là ngay trong hành trình tôi đi bộ xuyên Việt, nhiều thành viên trong nước và nguời Việt ở nước ngoài đã ủng hộ và cùng góp sức để xây dựng được hơn 50 tủ sách cho học sinh ở khắp mọi miền đất nước”, Thạch chia sẻ.
Bình luận (0)