13 năm trước, ĐH RMIT đến Việt Nam với mong muốn đào tạo các “thuyền trưởng” vừa có tầm nhìn quốc tế, vừa có hiểu biết về thị trường Việt Nam để đón đầu cơn gió phát triển và hội nhập của Việt Nam vào thời điểm đó.
Xây trường ĐH giữa… đầm lầy
Năm 1998, ĐH RMIT quyết định thành lập trường tại TPHCM theo lời mời của Chính phủ Việt Nam. Vào thời điểm đó, khái niệm “ĐH quốc tế” vẫn còn xa lạ với phụ huynh và học sinh nước ta. Vị trí thành lập trụ sở lớn đầu tiên của trường cũng khiến không ít đối tác lo ngại.
“Lúc đó khu vực quận 7 chỉ là đầm lầy. Muốn di chuyển đến đó phải đi bằng thuyền. Tuyệt nhiên không có gì hứa hẹn cho việc thành lập một trường ĐH quốc tế ở đây”, ông Warrick Klein, CEO Việt Nam - Campuchia của công ty kiểm toán quốc tế KPMG kể về những ngày đầu đồng hành cùng ĐH RMIT Việt Nam.
Khi ban lãnh đạo trường trình bày những nghiên cứu thị trường và chiến lược giáo dục lâu dài đằng sau quyết định táo bạo của mình, nhiều đối tác, cộng sự tư vấn mới thật sự bị thuyết phục bởi chính “lý tưởng” tưởng chừng khó biến thành hiện thực đó.
Với chiến lược đúng đắn và nền tảng giáo dục vững chắc, ĐH RMIT Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với 3 trụ sở ở Nam Sài Gòn, Hà Nội, Phạm Ngọc Thạch và là nơi học tập của 7.000 sinh viên Việt Nam và quốc tế.
|
“Ra khơi” với hai ngành Thương mại và Thiết kế
Năm 2001, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ giữa “bão” khủng hoảng châu Á, kéo theo nhu cầu nhân sự lãnh đạo có tầm nhìn quốc tế và hiểu biết về khu vực. Chương trình Cử nhân Thương mại mà ĐH RMIT Việt Nam chọn ra mắt đầu tiên đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu trên với hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty tầm cỡ quốc tế. Ngành học đầu tiên này cũng đã xây dựng tên tuổi cho trường ở lĩnh vực kinh doanh, đặt nền móng cho việc phát triển chương trình Cử nhân Kinh doanh với các chuyên ngành đa dạng như Kế toán, Hệ thống Thông tin Kinh doanh, Marketing, Kinh tế và Tài chính…
Các tân cử nhân ngành Thương mại trong lễ tốt nghiệp năm 2013 |
|
Bùi Vinh Hiếu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của một chi nhánh Ngân hàng Standard Chartered tại Hà Nội, cựu sinh viên ngành Thương mại RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Điều tôi trân trọng nhất khi học tập tại RMIT là môi trường tuyệt vời, tạo điều kiện cho việc chủ động học tập, chia sẻ kiến thức và cơ hội phát triển các mối quan hệ sau khi ra trường”.
Nếu Thương mại là câu trả lời cho thị trường đang thiếu nhân lực chất lượng quốc tế với hiểu biết về thị trường Việt Nam, thì ngành Thiết kế và Công nghệ Thông tin mà ĐH RMIT Việt Nam giới thiệu lần lượt vào năm 2001 và 2004 đã mang đến một cái nhìn mới mẻ, đột phá. Trường đặt mục tiêu đào tạo các chuyên viên Thiết kế và CNTT không chỉ đơn thuần làm theo yêu cầu mà biết chủ động phân tích vấn đề, áp dụng công nghệ đa phương tiện hiện đại để đưa ra giải pháp toàn diện nhất. Sinh viên tốt nghiệp hai ngành trên tại ĐH RMIT Việt Nam được các công ty đa quốc gia đánh giá cao và đã gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Một trong số đó là Nguyễn Tấn Đạt, cựu sinh viên ngành Thiết kế ĐH RMIT Việt Nam, nghệ sĩ trẻ được chọn tham dự hội trại Nghệ thuật Á - u lần thứ 5 tại Thái Lan, hiện đang giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo tại công ty Dentsu Media, Việt Nam.
Đón đầu ngọn sóng Truyền thông
Kinh tế đi lên cũng là lúc nhu cầu quảng bá tên tuổi, xây dựng mối quan hệ với đối tác và người tiêu dùng một cách bài bản, có chiến lược tăng mạnh. Năm 2008, ĐH RMIT Việt Nam đã giới thiệu chương trình Cử nhân Truyền thông Chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, khởi đầu cho sự phát triển của nhóm ngành này tại Việt Nam.
Các cựu sinh viên và giảng viên ngành Truyền thông ĐH RMIT trong buổi tiệc kỷ niệm 5 năm thành lập ngành |
Kết hợp kiến thức về chiến lược truyền thông quốc tế cùng hiểu biết về bản sắc văn hóa Việt Nam, sinh viên ngành Truyền thông của ĐH RMIT Việt Nam hiện đang đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong nhiều công ty quảng cáo, truyền thông đa quốc gia có mạng lưới toàn cầu. Ông Tuệ Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty Bates Việt Nam, nơi tuyển dụng nhiều sinh viên truyền thông của ĐH RMIT Việt Nam, cho biết các sinh viên của ĐH RMIT Việt Nam có "suy nghĩ rất cởi mở và sắc sảo, không theo lối mòn”.
Mạnh dạn rẽ sóng với ngành Kinh doanh Thời trang và Dệt may
Năm 2013, ĐH RMIT Việt Nam đã thổi làn gió mới vào thị trường thời trang đang có sự chuyển mình mạnh mẽ ở Việt Nam với việc ra mắt chương trình Cử nhân Kinh doanh Thời trang và Dệt may.
Chương trình đào tạo toàn diện những kỹ năng và kiến thức cần có của một nhà kinh doanh thời trang quốc tế - từ khâu nắm bắt xu hướng thế giới, phát triển thiết kế đến làm việc với nhà sản xuất và lên kế hoạch quảng bá, phân phối sản phẩm. Lứa sinh viên đầu tiên của ngành hứa hẹn sẽ góp sức vào sự phát triển của thị trường thời trang chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Những năm tới, ĐH RMIT Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chuyên ngành mang tính quyết định trong tương lai như Thương mại, Công nghệ và Thiết kế. Mở đầu là việc ra mắt 3 chuyên ngành Kinh doanh mới (Khởi Nghiệp, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị) vào tháng 10.2014 và chương trình Cử nhân Kỹ thuật (Điện - Điện tử) đầu tiên. Tất cả mọi nỗ lực trên đều xoay quanh mục tiêu mà trường đã đặt ra ở khu đất “đầm lầy” ngày nào: đào tạo các “thuyền trưởng” tương lai với vốn kiến thức quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)