img

"Đại án" kit test Việt Á - một trong những vụ việc tiêu cực có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 1.

Ngày 17.1, T.Ư Đảng khóa XIII họp hội nghị bất thường xem xét nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, nguyên Chủ tịch nước.

Thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng chiều 17.1 cho biết, T.Ư Đảng khẳng định trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, T.Ư Đảng cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc "chịu trách nhiệm chính trị" của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói lý do xin thôi chức

Tại cuộc họp, T.Ư Đảng sau khi xem xét đã đồng ý cho thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước. Một ngày sau, 18.1, tại kỳ họp bất thường thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự được nhắc đến ở trên đều liên quan tới đại án Việt Á. Đó là các ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng KH-CN (4.2016 - 11.2020), cựu Chủ tịch Hà Nội (9.2020 - 6.2022) và ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế (11.2020 - 6.2022). Ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan tới các sai phạm tại Bộ KH-CN trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Việt Á.

Còn ông Nguyễn Thanh Long, bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan tới các sai phạm tại Bộ Y tế trong việc cấp phép lưu hành để Việt Á nâng khống giá bán kit test ra thị trường.

Ngoài ra, 2 phó thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ cũng được cho là chịu trách nhiệm người đứng đầu khi lĩnh vực phụ trách xảy ra các sai phạm nghiêm trọng. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được giao phụ trách các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông… Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 từ cuối 2019, đầu 2020, ông Vũ Đức Đam là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 từ khi mới thành lập (cuối tháng 1.2020).

Ngoài ra, liên quan tới đại án kit test Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng bị Bộ Công an khởi tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 2.

Tính tới nay, sau hơn 1 năm điều tra (từ 17.12.2021), vụ kit test Việt Á đã có 104 bị can bị khởi tố. Trong đó, Bộ Công an khởi tố 31 bị can; Bộ Quốc phòng khởi tố 5 bị can; công an 24 tỉnh, thành phố khởi tố 68 bị can.

Các bị can bị điều tra về 6 tội danh khác nhau, gồm: "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "đưa hối lộ"; "nhận hối lộ" và "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Trong đó, 3 ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm vướng lao lý. Ngoài 2 cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, còn có ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hơn 100 bị can còn lại phần lớn là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ KH-CN, Bộ Y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), cơ quan y tế các địa phương và một số doanh nghiệp.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học, vi phạm trong vụ án Việt Á rất rộng, liên quan tới nhiều cán bộ, đảng viên. Quá trình xem xét, xử lý đòi hỏi rất khẩn trương, đồng thời cũng rất thận trọng.

Vừa qua, Bộ Chính trị có kết luận về chủ trương phân hóa đối tượng trong quá trình xử lý kỷ luật. Đây là đường lối, chủ trương để cơ quan chức năng cân nhắc, đánh giá nguyên nhân, bối cảnh, từ đó xem xét đối tượng nào xử lý nghiêm, đối tượng nào giảm nhẹ, đối tượng nào thuộc diện miễn kỷ luật.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 3.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 4.

Sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên 45%. Công ty đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng, qua đó thu lợi hơn 500 tỉ đồng.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 5.

Thượng tá Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 và Phan Quốc Việt

VGP

Điều đáng nói, để kit test Việt Á có thể "vươn vòi" rộng lớn như vậy, có hệ quả không nhỏ từ sự "trải thảm" của nhiều đơn vị, cá nhân liên quan.

Đề tài nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 (sau này là kit test Việt Á) vốn do Học viện Quân y chủ trì, được thực hiện với kinh phí từ ngân sách gần 19 tỉ đồng.

Khi chưa có nghiệm thu, đánh giá, không có ý kiến của đại diện chủ sở hữu nhà nước (Bộ trưởng Bộ KH-CN), Học viện Quân y đã thực hiện trái thẩm quyền, tự ý bàn giao quy trình kỹ thuật cho Công ty Việt Á.

Cùng đó, Học viện Quân y đã có văn bản đề nghị Bộ KH-CN đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 dù sản phẩm không đủ điều kiện, không đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, tạo điều kiện để Việt Á bán sản phẩm ra thị trường.

Theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ KH-CN đã buông lỏng, thiếu kiểm tra, để một số cán bộ vi phạm trong việc phê duyệt, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài khoa học; đồng thời vi phạm trong công tác truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á.

Trong số những cá nhân phải chịu trách nhiệm, ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tương tự, Bộ Y tế cũng buông lỏng, thiếu trách nhiệm khi để một số cán bộ vi phạm trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á. Chịu trách nhiệm cao nhất là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã bị khởi tố và bắt tạm giam.

Tại Học viện Quân y, Ban Thường vụ Đảng ủy đơn vị này đã buông lỏng, thiếu giám sát, để một số lãnh đạo chủ chốt và nhiều cán bộ vi phạm trong đề xuất, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Chịu trách nhiệm cho những vi phạm này, trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y và thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 6.

Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, để len lỏi và phân phối kit test trên phạm vi cả nước, Công ty Việt Á đã bỏ ra tới 800 tỉ đồng để chi "hoa hồng" cho đối tác. Vậy địa chỉ mà số tiền này tìm đến là những đâu?

Câu trả lời chỉ thực sự sáng tỏ khi cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các địa phương có kết luận chính thức. Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã có 6 bị can bị khởi tố về tội "nhận hối lộ" - là những địa chỉ đã có thể xác định của dòng tiền bất chính xuất phát từ Việt Á. Trong số này, ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, bị cáo buộc nhận hối lộ lên tới 27 tỉ đồng.

Ngoài nhóm trên, một trường hợp khác là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đại diện Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an cho hay, bước đầu xác định bị can Long có yếu tố vụ lợi nên đã bị khởi tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Nếu xét theo yếu tố này, nhiều bị can khác cũng đã lộ diện. Điển hình là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Hay như ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, giúp công ty tiêu thụ sản phẩm…

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 7.

13 tháng điều tra 'đại án' kit test Việt Á - Ảnh 8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.