14 ca mắc sốt xuất huyết tử vong, Bộ Y tế khuyến cáo dự trữ thuốc

30/08/2023 10:52 GMT+7

Dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành. 14 ca tử vong do sốt xuất huyết đã ghi nhận trong 8 tháng, cao nhất tại Đồng Nai (4 ca).

14 ca tử vong trong 8 tháng

Sau nhiều tuần không thông tin cụ thể đến các cơ quan báo chí về diễn biến dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, ngoài các số liệu cập nhật ca mắc Covid-19, sáng nay 30.8, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức về diễn biến dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại các tỉnh, thành.

Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.

14 ca mắc sốt xuất huyết tử vong, Bộ Y tế khuyến cáo dự trữ thuốc - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (áo trắng) kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống sốt huyết tại các khu dân cư trên địa bàn thủ đô

TR.LẬP

Từ đầu năm đến ngày 25.8, cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết. Trong số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận, có 14 bệnh nhân tử vong (Đồng Nai 4 ca, Đắk Lắk 2 ca, Phú Yên 2 ca; các tỉnh, thành Bình Phước, Bình Thuận, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, mỗi nơi 1 ca).

So với cùng kỳ năm 2022 (172.567 ca mắc, 93 ca tử vong), số ca mắc sốt xuất huyết hiện giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.

Số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng năm nay tập trung tại Hà Nội (5.190 ca) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như: TP.HCM 8.628 ca, An Giang 3.161 ca, Đồng Nai 3.114 ca, Bình Dương 2.482 ca, Bình Thuận 3.118 ca, Sóc Trăng 2.481 ca.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng năm nay là 0,02% (thấp hơn tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016 - 2020 là 0,03%). Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%; Indonesia 0,89%; Philippines 0,51%; Campuchia 0,2%; Lào 0,18%; Malaysia 0,06%) và nằm trong chỉ tiêu về giảm tử vong do Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 (bằng hoặc thấp hơn 0,09%).

14 ca mắc sốt xuất huyết tử vong, Bộ Y tế khuyến cáo dự trữ thuốc - Ảnh 2.

Các địa phương cần dự trù đủ thuốc, hóa chất cho điều trị, phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

THÚY ANH

Cung ứng đủ thuốc điều trị sốc do sốt xuất huyết

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế hôm qua 29.8 đã có thêm Công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản của Bộ Y tế đã gửi trước đó, trong các tháng 3, 6 và đầu tháng 8.

Đáng lưu ý, Bộ Y tế khuyến cáo yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Với dịch truyền dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết dengue nặng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu 17.010 túi.

Hiện, 12.550 túi đã về Việt Nam; trong đó, số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi, số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, sau thời gian thiếu hụt, hiện Bộ Y tế đã đảm bảo có nguồn cung ứng dịch truyền dextran.

 Số ca bệnh sốt xuất huyết trong nước ghi nhận tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.

Số ca mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng năm nay giảm tại 3 khu vực (khu vực miền Nam giảm 71%, miền Trung giảm 44,3%, Tây nguyên giảm 34%); riêng miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

BỘ Y TẾ


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.