14 năm loay hoay với dự án nghĩa trang và đài hỏa táng

29/07/2022 09:54 GMT+7

Được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, nhưng đến nay tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể xây dựng đài hỏa táng và nghĩa trang tập trung, trong khi nhu cầu đang rất bức thiết.

Người dân chưa đồng thuận

Năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng đài hỏa táng và nghĩa trang vĩnh hằng tại xã Hưng Tây (H.Hưng Nguyên) làm nơi chôn cất cho người dân TP.Vinh và vùng phụ cận. Thế nhưng sau khi 3 chủ doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư và làm các thủ tục ban đầu, tất cả đều bỏ cuộc. Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho 1 doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng và đài hóa thân trên diện tích 85 ha tại khu vực này với tổng vốn đầu tư hơn 465 tỉ đồng. Dự án sau đó được điều chỉnh còn 78,47 ha, gồm khu tâm linh, khu hỏa táng, khu an táng lần 1, khu cát táng, khu xử lý kỹ thuật, khu cây xanh... Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào năm 2019. Tuy nhiên, một số người dân địa phương không đồng thuận việc thực hiện dự án.

Người dân dựng lán và treo băng rôn phản đối, ngăn cản thi công dự án

KHÁNH HOAN

Năm 2021, sau khi một bệnh nhân ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) tử vong vì Covid-19, gia đình và chính quyền H.Quỳnh Lưu liên hệ với đài hỏa táng ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa để hỏa táng thì đều bị từ chối vì lý do không nhận hỏa táng bệnh nhân Covid-19 của tỉnh khác, từ đó việc xây dựng đài hỏa táng lại nóng lên. Ngày 6.9.2021, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, chủ trì cuộc họp và chỉ đạo đến cuối tháng 11.2021 phải xây xong đài hỏa táng tại dự án nói trên, yêu cầu H.Hưng Nguyên và các ngành sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, dự án lại vấp phải sự ngăn cản của người dân ở xóm Phúc Điền (xã Hưng Tây) vì họ cho rằng khoảng cách giữa nhà dân trong xóm đến nghĩa trang này không đạt tiêu chuẩn quy định (không đủ 1.500 m) và lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sống. Người dân đã dựng lán ngay đường ra vào khu vực dự án, chặn không cho thi công kể từ đó. UBND tỉnh Nghệ An và UBND H.Hưng Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân để giải quyết những vướng mắc nhưng vẫn không có kết quả.

Nhiều nơi dân đang phải sống chung với nghĩa địa

Theo quy chuẩn xây dựng nghĩa trang của Bộ Xây dựng, khoảng cách giữa tường nhà dân đến nghĩa trang hung táng (hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng) tối thiểu là 1.500 m. Tuy nhiên, tại TP.Vinh, nhiều nghĩa trang nằm ngay sát nhà dân. Phía sau UBND xã Hưng Lộc, TP.Vinh là khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ nằm sát bên nhà dân, nhiều mộ mới chôn, cỏ chưa mọc. Nghĩa trang này đã khiến hàng trăm hộ dân sống xung quanh rất khổ sở vì ô nhiễm môi trường.

“Nhà có trẻ mới sinh, chúng tôi không dám mở cửa vì sợ mùi tử khí”, một người dân sống gần nghĩa trang này nói. Cách đó không xa, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (xã Hưng Lộc), một khu nghĩa trang khác vẫn đang chôn cất người chết dù đã có một khu đô thị mới mọc lên bên cạnh từ hơn 10 năm nay. Chủ đầu tư phải xây một bức tường dài và cao dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông để che khuất nghĩa trang này. “Khi mua đất, chúng tôi được cam kết nghĩa trang sẽ ngừng chôn cất và di dời, nhưng đã hơn 10 năm rồi, đến giờ vẫn cứ tiếp tục chôn cất người chết”, một cư dân ở khu đô thị này bức xúc.

Ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, cho biết xã có 12 nghĩa trang, trong đó phần lớn nằm sát khu dân cư. Dù hầu hết các nghĩa trang hiện không đủ tiêu chuẩn để chôn cất, nhưng xã không thể cấm vì không biết chôn cất ở đâu. “Dân kêu ca rất nhiều nhưng xã chưa có giải pháp nào để xử lý mà chỉ mong tỉnh sớm có đài hỏa táng và nghĩa trang để thay cho các nghĩa trang này”, ông Thành nói.

Tại nhiều phường, xã của TP.Vinh, tình cảnh cũng tương tự. Đề nghị dừng chôn cất của chính quyền địa phương đã được đề xuất từ hơn chục năm nay nhưng không có kết quả vì nếu dừng thì không biết mai táng người chết ở đâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.