15 tuổi, đi làm thu nhập ngang ngửa người được đào tạo nghề

07/04/2018 07:06 GMT+7

Ngày 6.4, tại Tiền Giang, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức hội nghị 'Đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 về giáo dục nghề nghiệp'.

Tại đây, ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết mỗi năm Tiền Giang có từ 25.000 - 28.000 học sinh (HS) từ THCS sang THPT. Thực hiện theo luật Giáo dục nghề nghiệp, tỉnh chuẩn bị sẵn kế hoạch để phân luồng với chỉ tiêu 5.000 - 7.000 HS từ THCS vào trường nghề, nhưng chưa khi nào đạt được 50% kế hoạch. Về nguyên nhân, theo ông Đức, tâm lý chung của phụ huynh và HS đều hướng đến môi trường đào tạo đại học.
Ngoài ra, thực trạng hiện nay là người đủ 15 tuổi đi làm có thu nhập ngang ngửa so với người sau khi được đào tạo nghề.
Một khó khăn khác, theo lãnh đạo nhiều trường đào tạo nghề tại khu vực phía nam, là không được sở GD-ĐT, sở LĐ-TB-XH giúp đỡ trong việc tiếp cận HS THCS để tư vấn, định hướng nghề nghiệp nhằm giúp địa phương phân luồng HS.
Theo sở LĐ-TB-XH các tỉnh, trường nghề hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các chính sách cho người theo học, đặc biệt việc chỉ chủ yếu đào tạo nghề sơ cấp cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là không phù hợp. Hiện nhu cầu lao động tại các tỉnh thành khu vực phía nam rất lớn, đặc biệt là lao động qua đào tạo.
Để giải quyết vấn đề này, ngành LĐ-TB-XH các tỉnh khu vực phía nam kiến nghị T.Ư sớm ban hành chính sách miễn, giảm học phí đối với một số ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao để thu hút người học. Song song đó, cần sửa đổi quy định pháp luật trên tinh thần tăng tối đa quyền tự chủ cho các trường nghề. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giúp người học có thêm điều kiện theo dõi nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy và giải quyết việc làm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết năm 2017, cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chỉ tuyển được tổng số khoảng 2,2 triệu người. Thậm chí, có 8 tỉnh không tuyển được 100 người vào CĐ nghề, riêng 3 tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông không tuyển được sinh viên.
Một trong những giải pháp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện trong năm 2018 là đưa phần mềm tra cứu, cập nhật thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động vào điện thoại di động giúp người học có cái nhìn bao quát để chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.