Theo ngành giáo dục TP.HCM, 1.517 học sinh mồ côi thống kê được ở các cấp học. Cuộc sống của một gia đình bỗng chốc đảo lộn hoàn toàn khi những trụ cột bất ngờ bị dịch Covid-19 cướp mất. Những đứa trẻ hồn nhiên, ngơ ngác hỏi nhau: Ba đâu, mẹ đâu? Giải pháp nào để cuộc sống của những đứa trẻ này sẽ tiếp tục cuộc sống của mình, vẫn được đến trường và vượt qua cú sốc: mồ côi?
Chiều mưa như trút nước, N. chạy xe ra gần nhà mua vội chút rau về nấu cơm cúng cha mẹ. Nước mắt lẫn vào nước mưa mặn chát, N. vẫn chưa tin được chỉ chưa đầy 10 ngày, 4 chị em lại mồ côi vì Covid-19.Chị hai cáng đáng việc nhà
“Mẹ ơi, mẹ ráng khỏe về với tụi con nha mẹ”.
“Mẹ ráng ăn vào”.
“Mẹ buồn thì gọi về nói chuyện với tụi con”.
Những tin nhắn được em P.Y.N. (22 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) gửi liên tiếp qua điện thoại mẹ. N. biết mẹ mệt nên mẹ không trả lời liền, em cũng không gọi điện thoại hối thúc. Vài tiếng sau, mẹ N. trả lời “Mẹ khỏe”. Rồi N. lại tiếp tục động viên mẹ, dù không biết khi nào mẹ sẽ trả lời. Nhưng lần này, linh cảm có điều chẳng lành, N. bấm gọi liên tục, tiếng chuông vẫn đổ, mẹ không nghe máy, rồi mẹ đi mãi vào ngày 28.8.
|
Những ngày ba N. gần vượt qua được Covid-19 thì nhận tin vợ mất, tinh thần ông suy sụp, trở nặng và cũng bỏ lại chị em N. vào ngày 6.9.
Sau N. lần lượt là các em 16, 11 và 10 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ còn hai em út vẫn đi học. Sự ra đi đột ngột của ba mẹ khiến N. vừa làm chị hai, vừa làm cha mẹ cáng đáng việc nhà, chăm sóc các em.
N. kể thường ngày ba làm phụ hồ, mẹ nhận hàng may tại nhà, N. và em kề xin ba mẹ nghỉ học sớm, đi làm bán quần áo, phụ quán cà phê để nhường hai em út đến trường. Dịch Covid-19 bùng phát, cả nhà thất nghiệp. Những đồng tiền tiết kiệm trong nhà được dồn lại để mẹ vào viện vô thuốc hóa trị ung thư vú giai đoạn cuối.
|
|
“Trước khi nhập viện mẹ được test âm tính, nhưng vô thuốc về thì mẹ mệt mỏi, sốt, khó thở. Những ngày này ba không cho tụi em tới gần mà một tay ba chăm mẹ. Tới khi mẹ mệt không chịu nổi nữa đưa đi viện mới biết là nhiễm Covid-19. Cả nhà em ra trạm y tế xét nghiệm, ba cũng dương tính. Vài ngày sau khi mẹ mất, ba cũng đi theo”, N. tâm sự.
4 chị em ôm nhau khóc, cậu mợ, ông bà ngoại cùng hàng xóm lập giúp bàn thờ, hướng dẫn N. cách cúng cơm cho cha mẹ. Mọi chuyện trong nhà giờ đây đè hết lên vai cô gái vừa bước qua tuổi 22. Từ cơm nước, nhà cửa, lo cho các em ăn học đến chuyện dạy dỗ các em nên người.
|
“Trước khi nhập viện mẹ được test âm tính, nhưng vô thuốc về thì mẹ mệt mỏi, sốt, khó thở. Những ngày này ba không cho tụi em tới gần mà một tay ba chăm mẹ. Tới khi mẹ mệt không chịu nổi nữa đưa đi viện mới biết là nhiễm Covid-19. Vài ngày sau khi mẹ mất, ba cũng đi theo”Em P.Y.N. |
“Những công việc này mẹ đã dạy em từng chút nên em không quá bỡ ngỡ, nhưng mọi chuyện đường đột quá. Lúc cha mẹ đi tụi em không có gì trong tay hết, giờ đang lo liệu bằng tiền hàng xóm phúng điếu và cậu dì hỗ trợ. Sau này hết dịch, em không biết công việc phụ bán quần áo có đủ để trang trải các khoản chi tiêu hay không”, N. lo lắng.
“Tụi con sẽ sống thật tốt”
Biến cố ập đến bất ngờ, dù có đau lòng, mất mát quá lớn nhưng N. và các em không cho phép bản thân được yếu đuối. Mấy chị em thường động viên nhau, phải sống thật tốt để ba mẹ đi yên lòng.
Em P.Y.V. (16 tuổi) – người ở bên chăm sóc ba những ngày cuối đời cũng chia sẻ, trong bệnh viện V. thường kể chuyện vui, không nhắc đến mẹ hay những điều đau lòng. Nhưng hễ V. đi ra ngoài thì ba lại len lén khóc vì nhớ mẹ. V. nắm tay ba hỏi: “Ba thương tụi con không?”, ba V. đáp: “Ba thương, thương nhiều lắm”. Đó cũng là những lời yêu thương hiếm hoi V. nghe được từ ba.
|
“Ba ở nhà không thường nói thương con, nhưng tụi em biết ba âm thầm lo hết mọi thứ. Những ngày nặng nhất ba còn nắm tay em nói “cứu ba với”. Nhìn ánh mắt ba như muốn nói rất nhiều điều nhưng không nói được, em đau lắm”.Em P.Y.V. |
“Ba ở nhà không thường nói thương con, nhưng tụi em biết ba âm thầm lo hết mọi thứ. Trước khi bệnh nặng, ba còn gọi video về nhà nói “bai bai” ngoại và mấy chị em, ngoại nói không được bai, phải khỏe để còn về. Những ngày nặng nhất ba còn nắm tay em nói “cứu ba với”. Nhìn ánh mắt ba như muốn nói rất nhiều điều nhưng không nói được, em đau lắm”, V. nức nở kể.
Trong căn nhà trọ chừng 30m2, tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc loa nhỏ trên bàn thờ vẫn đều đều theo nhịp, em P. L.Y.P. (học sinh lớp 5), P.L.Y. H. (lớp 6) và em V. cùng học online. V. dù nghỉ học từ lâu, nhưng kiến thức còn tốt, giúp em giải được bài toán khó, mấy chị em lại khúc khích cười.
|
Chị hai Y.N. đứng nấu ăn, thỉnh thoảng nhìn các em, rồi nhìn bàn thờ cha mẹ, nước mắt lại lưng tròng. Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn khi ông ngoại N. mang chai nước mắm vừa mở nắp, từng bước đi khó nhọc đi vào: “Ba mày mua cho tao nước mắm này ngon lắm đó, mà tao để lâu rồi không ăn mày ăn đi”. Nghe ngoại nhắc đến ba, mấy chị em nhìn chai nước mắm khựng lại, cụ ông ngoài 80 đầu tóc bạc trắng nhìn lên bàn thờ: “Ba mày nay 9 bữa rồi chưa có tro về nữa hả, 9 bữa rồi đó. Thôi nước mắm cá cơm ngon lắm để ăn đi”.
N. lại sụt sịt: “Ngoại này…” rồi đưa tay nhận chai mắm, nhờ một em đỡ ngoại về lại bên nhà. “Ngoại bữa nay đỡ rồi, chứ lúc mẹ em mới mất ngoại cứ qua nhìn bàn thờ mẹ em khóc hoài, nói con nhỏ này sao nỡ bỏ ba đi. Ngoại giờ già rồi, đang chăm hai anh em con vợ chồng cậu mất vì ung thư, giờ thêm 4 đứa em cũng mất cả cha mẹ. Tụi em đứng trước bàn thờ ba mẹ nói tụi con sẽ sống thật tốt, không để ông bà lo lắng, cha mẹ đi yên lòng”, N. nói.
|
Thưa quý bạn đọc, Đại dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua đã gây ra bao tai ương, mất mát cho cộng đồng. Đơn cử, theo số liệu báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) ngày 14.9, chỉ riêng tại TP.HCM đã có hơn 1.500 em học sinh rơi vào cảnh mồ côi vì mất đi cha mẹ hoặc người bảo trợ. Con số khiến ai cũng phải bàng hoàng, xót xa thương cảm. Với ý nghĩa nhân văn của chương trình và tinh thần truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc, Báo Thanh Niên không ngần ngại kêu gọi quý bạn đọc gần xa, quý nhà hảo tâm dang rộng vòng tay đón nhận, bảo trợ để giúp các em được tiếp tục sống, học tập như ý nguyện của bậc phụ huynh đã không may vì đại dịch mà khuất bóng. Báo Thanh Niên xin được làm nhịp cầu kết nối vạn tấm lòng để chương trình mãi vun đắp tình yêu thương của xã hội đối với những mầm xanh bất hạnh. Nhận được sự tin tưởng trao tặng của quý bạn đọc, chúng tôi nguyện sẽ thực hiện chương trình một cách chu đáo, kịp thời và hiệu quả bằng tất cả tâm huyết của mình. Rất mong quý bạn đọc cùng chung tay góp sức. Quý bạn đọc và nhà hảo tâm hưởng ứng chương trình có thể tham gia bằng một trong hai cách sau đây: 1 Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay cùng chương trình này sẽ gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: [email protected] hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn. 2 Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch. Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên. |
Tương lai nhọc nhằn
Gác lại những dự định tương lai của bản thân, điều N. mong mỏi nhất lúc này là sau dịch có việc làm ổn định để chiều tối về lo cơm nước cho các em nhỏ. Y.V. cũng mong sớm được đi học nghề làm nail để có được công việc phù hợp với năng lực của mình, nhưng tất cả chỉ đang là dự định, mấy chị em lúc này vẫn còn đang phải sống dựa vào tiền phúng điếu cha mẹ của hàng xóm.
|
Y.N. cho biết gần 1 năm trước, nhà em chuyển trọ về đây thuê với giá 4 triệu đồng/tháng cho gần ông bà ngoại và có chỗ để mẹ đặt máy may, nhận may sửa quần áo kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng sắp tới, khi qua 100 ngày cha mẹ, N. sẽ tìm căn trọ khác nhỏ hơn để tiết kiệm các khoản chi phí.
Y.V. thì cho hay, ngày còn có mẹ, cả 4 chị em đều được chỉ dạy cách để tự lập, cách khôn khéo, ứng xử trong cuộc sống, cha mẹ mong 2 chị lớn đã nghỉ học rồi thì phải lo cho hai bé út học hành đàng hoàng. Vậy nên dù có suy sụp tinh thần, hai em Y.P. và Y.H. cũng nhanh chóng gượng dậy để học online cùng với lớp.
“Tụi em có cảm giác khi biết bị ung thư, mẹ đã chuẩn bị để đi xa, nhưng tụi em không ngờ mẹ lại mất vì Covid-19 chứ không phải ung thư. Hồi đó mẹ có dặn tụi em, nếu mai mốt mẹ mất, mẹ có về như thế nào tụi con cũng đừng có sợ nên giờ 4 chị em dọn xuống ngay trước bàn thờ ăn, nằm ngủ như ngày còn cha mẹ”, V. chia sẻ.
|
Cô Lý Thị Mỹ Phượng (Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Q.12) cho biết rất xót lòng trước hoàn cảnh của gia đình em P.L.Y. H. (học sinh lớp 5/3). Ngay khi biết chuyện, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đem nhu yếu phẩm đến hỗ trợ chị em Y.H., các phụ huynh lớp em H. cũng đóng góp để cùng chia sẻ, động viên các em vượt qua biến cố. Cô hiệu trưởng cũng cho hay đang giữ một khoản tiền được các nhà hảo tâm ủng hộ và cô tiếp tục gom thêm để trao tận tay 4 chị em.
“Đang có cha có mẹ mà trong vòng một tuần thành trẻ mồ côi nên các em không thể tránh khỏi chuyện bị sốc tâm lý. May mắn là cô giáo chủ nhiệm lớp 5/3 là người rất hiểu và quan tâm đến tâm lý trẻ nên thường gọi hỏi thăm, động viên Y.H. trong thời gian này”, cô Mỹ Phượng bày tỏ.
Bình luận (0)