Chi hội gỗ dán Việt Nam đại diện cho 152 doanh nghiệp mới đây đã gửi đơn kiến nghị đến Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) liên quan đến thông tin phía Hàn Quốc sắp ra phán quyết cuối cùng thuế chống bán phá giá gỗ ván ép với sự chênh lệch mức thuế biên độ dao động từ 4,2 - 13,04%, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Chi Hội gỗ dán Việt Nam, thời gian gần đây, đơn vị này nhận được thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu ván ép về việc Hàn Quốc tái điều tra thuế chống bán phá giá ván ép Việt Nam sang thị trường này giai đoạn 2020 - 2023.
Trước đó, từ tháng 11.2023, cơ quan quản lý của Hàn Quốc đã kiểm tra các doanh nghiệp tại Việt Nam và sắp ra phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp tham gia điều tra và doanh nghiệp không nằm trong diện điều tra lại. Các doanh nghiệp đã nhận được thông tin, sẽ có sự chênh lệch mức thuế rất lớn, từ 4,2 - 13,04%.
Ông Trịnh Xuân Dương, Phó chi hội trưởng Chi hội gỗ dán Việt Nam, cho biết phía Hàn Quốc điều tra và áp thuế là chưa khách quan. Bởi lẽ trong số các doanh nghiệp được hoặc bị điều tra chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc (không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Bên cạnh đó, mức thuế áp dụng cho doanh nghiệp không được điều tra có biên độ tương đối lớn so với các doanh nghiệp được điều tra. Số lượng các doanh nghiệp được hoặc bị điều tra chưa phản ánh đầy đủ tổng quan số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đơn kiến nghị, Chi hội gỗ dán Việt Nam kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại trao đổi với phía Hàn Quốc tạo điều kiện cho ván ép Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá như lần điều tra trước (10,54%).
Theo Chi hội gỗ dán Việt Nam, nếu 152 doanh nghiệp phải chịu mức thuế cao hơn 4% theo số liệu 2023, sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động. Công nhân các doanh nghiệp này sẽ mất việc làm kéo dài do nhà máy phải đóng cửa. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu nguy cơ phải dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng không được trồng mới không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm; toàn bộ chuỗi cung ứng trồng rừng và chế biến lâm sản bị ngắt quãng; ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu liên quan đến việc chứng chỉ xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam và cả hệ thống đi cùng với việc kinh doanh của họ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2023, sản phẩm gỗ dán, gỗ ghép của Việt Nam xuất khẩu sang 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Malaysia là 4 thị trường chính, riêng Hàn Quốc đạt hơn 201 triệu USD, chiếm 29% về lượng và 22,7% về giá trị.
Bình luận (0)