Góp ý thảo luận tại tổ về dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, chiều 24.5, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Dự thảo luật quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
"Có nhiều vụ, các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, chỉ 15 - 16 tuổi rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường… rất khó xử lý. Cùng lắm xử tội gây rối trật tự, với điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi. Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng vi phạm ở độ tuổi đó", trung tướng Trung nêu.
Dù vậy, ông cũng đồng tình dự luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích. Chẳng hạn, phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau.
Với quy định bổ sung súng săn, súng tự chế, súng hơi vào vũ khí tự chế, ông Trung nêu thực tế năm 2018, khi ông còn làm Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, liên tục xảy ra các vụ mang súng hơi, súng tự chế bắn nhau.
"Trên cả nước cũng như vậy, và không thể xử lý được. Sau đó, 3 ngành tư pháp T.Ư phải thống nhất ban hành văn bản cho phép quay lại áp dụng các loại này tương đương vũ khí quân dụng, thì lúc đó tình hình mới yên đi", trung tướng Trung dẫn ví dụ.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) băn khoăn về việc đưa súng tự chế như súng kíp, đạn ghém, súng nén hơi… vào vũ khí quân dụng. Nếu quy định là vũ khí quân dụng thì súng tự chế có trang bị cho lực lượng vũ trang không?
Theo dự luật, "dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên". Song, theo đại biểu Dũng, nếu quy định cứng về tiêu chí phải giám định pháp lý rất mất thời gian và chi phí, trong khi nhiều vụ việc cần phải bắt giữ, khống chế đối tượng ngay.
Dẫn quy định nước ngoài quản lý vận chuyển dao rất chặt chẽ, phải cho vào hộp có khóa, đại biểu đoàn Nam Định nói, quy định của chúng ta đang rất chung chung, chỉ nghiêm cấm vận chuyển vũ khí không an toàn. Ông đề xuất nên có quy định riêng về hành vi vận chuyển vũ khí thô sơ, như vận chuyển dao phải cho vào hộp có khóa.
"Quy định như thế nếu đối tượng mang dao đi đánh nhau chúng ta có thể bắt giữ ngay vì vi phạm quy định", đại biểu Dũng nêu.
Góp ý cho luật Cảnh vệ, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho rằng đối tượng của cảnh vệ là bảo vệ các yếu nhân, lãnh tụ. Về lý luận cũng như thực tiễn, yếu nhân là con người thuộc đối tượng bảo vệ đặc biệt.
Thực tiễn vừa qua ở một số quốc gia, có cả Thủ tướng bị ám sát cũng đã cho thấy tính phức tạp của việc này, đây là bài học cho thấy nước nào cũng coi đây là công tác đặc biệt quan trọng.
Về băn khoăn của một số đại biểu trước việc luật áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp đặc biệt, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.
Thực tế không chỉ nước ta mà ở các nước khác cũng đã áp dụng quy định này rất linh hoạt, nhất là trong đối ngoại, quan hệ quốc tế. Chẳng hạn, hiện nay, nhiều Tổng thống của các nước tư bản đã tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Đảng của các nước khác theo nghi lễ quốc gia. Vì yêu cầu chính trị đó nên yêu cầu về đối tượng, trường hợp cảnh vệ cũng phải áp dụng một cách linh hoạt.
"Dĩ bất biến ở đây là các biện pháp cảnh vệ này đã được cụ thể hóa trong luật và thuộc thẩm quyền của bộ trưởng. Ứng vạn biến là căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể thì bộ trưởng được quyền quyết định sử dụng một trong số các biện pháp đó", ông Trung nêu.
Bình luận (0)