16 tuổi tôi đã tự vẽ ra hình mẫu của mình lúc trưởng thành

28/03/2022 06:00 GMT+7

Mỗi lần gặp người lạ hay được mời giao lưu với bất kỳ nhóm nào trong xã hội, mọi người luôn đặt câu hỏi động lực nào giúp tôi vượt lên số phận? Và tôi hay trả lời vui: 'Tại mình ham sống và ham vui…'.

Chứ tôi chẳng dám nhận mình là người biết vượt lên số phận gì to tát cả, vì bản thân bất kỳ đứa trẻ nào khi chui ra khỏi bụng mẹ, đồng nghĩa với việc nó mất đi sự bảo bọc chở che và bản thân nó phải tự mình trải qua một hành trình vượt lên số phận cho đến ngày nó nhắm mắt xuôi tay.

Truyền tải đến lớp trẻ thông qua các tác phẩm của mình

Thú thật đến năm 9, 10 tuổi tôi mới có thể biết đọc, viết thông qua đứa em gái nhỏ hơn mình hai tuổi. Và suốt quá trình tuổi thơ của mình, tôi chỉ thích đọc sách về cuộc đời của các vĩ nhân, nhà chính trị hay các doanh nhân thế giới có tầm ảnh hưởng đến công chúng và đặc biệt tôi có thể ngồi hàng giờ xem những bộ phim tài liệu về chiến tranh, về những người thanh niên đã hy sinh thanh xuân của mình cho quê hương Tổ quốc.

Và những lần như vậy tôi luôn tự đặt ra câu hỏi điều gì giúp cho những con người chỉ mới tròn đôi mươi đã dám hy sinh mạng sống của mình cho đất nước? Và liệu sau này lớn lên khi mình bằng tuổi họ ngày ấy, thì mình có làm được gì cho đất nước hay sống một cuộc đời cam chịu? Thế nên năm 16 tuổi, bản thân tôi đã tự viết ra ước mơ của mình lên giấy, những dòng chữ nguệch ngoạc với nội dung: “Tôi muốn trở thành một nhà văn”. Vì tôi muốn mang những tư tưởng của mình truyền tải đến lớp trẻ thông qua các tác phẩm của mình.

Thanh xuân của tôi là đi trao những cái ôm thật chặt để truyền nguồn cảm hứng sống cho các bạn trẻ. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có gì to tát, lớn lao cả

NVCC

19 tuổi, khép lại những trang sách cuối cùng của cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, khi ấy tôi đã biết bật khóc, bởi đơn giản một điều lúc đất nước chiến tranh nghèo khó đã có những lớp thanh niên có sẵn lý tưởng sống là hy sinh tuổi xuân của mình giành độc lập cho Tổ quốc.

Thế nên năm 2020 khi được mời đến giao lưu tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thuộc Phân viện miền Nam khi ấy, tôi hỏi các em học viên đang tham gia chương trình giao lưu xem đã có em nào từng đọc hai tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm và cuốn Mãi mãi tuổi 20 chưa? Tất cả chỉ là những cái lắc đầu từ hàng ghế khán giả. Tự nhiên trong lòng tôi bỗng gợi lên một cảm xúc buồn khó tả suốt mấy ngày liền?...

Gen Z sẽ tạo ra những hình mẫu thanh niên khác biệt

Song, xét về góc độ nào đó đôi khi cũng cần phải suy nghĩ lại khi đặt mình vào bối cảnh của lớp trẻ hiện tại. Bởi thế hệ thanh niên sinh sau những năm 2000, có một môi trường sống hoàn toàn khác biệt, thậm chí là tách biệt luôn với thế hệ thanh niên 8X, 9X chúng tôi. Mặc dù cũng là lớp thanh niên được sinh ra sau khi đất nước hòa bình trở lại, nhưng thế hệ 8X và 9X chúng tôi vẫn còn gánh chịu nhiều thiệt thòi khi đất nước đang trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh. Sự năng động sáng tạo cũng có, nhưng việc tiếp thu kiến thức của chúng tôi vẫn còn bị hạn chế hoặc bị giới hạn rất nhiều.

Còn với các bạn trẻ được sinh ra sau khi đất nước phục hồi kinh tế và mở cửa hội nhập toàn cầu, thời đại của internet bùng nổ, thời của những cú chạm màn hình để mở ra vô vàn kho tàng kiến thức, mở ra vô vàn cơ hội cho thanh niên cống hiến thanh xuân của mình và góp phần làm nên hình ảnh lý tưởng của người thanh niên thời đại mới.

Mỗi lần khoác lên mình màu áo Đoàn là trái tim tôi rung lên niềm cảm xúc tự hào khi được cống hiến chút gì đó thanh xuân tươi đẹp trong cuộc đời mình

Đợt vừa rồi, tôi rất vinh dự được T.Ư Đoàn mời trong số 12 đại biểu có tầm ảnh hưởng đến xã hội tham gia cuộc họp trực tuyến lấy ý kiến, hiến kế cho chương trình công tác tổ chức Đoàn sắp tới. Cá nhân tôi đề nghị làm sao Đoàn thanh niên hãy tận dụng tối đa các công cụ mạng xã hội, nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền những tư duy tích cực đến lớp thanh niên trẻ hiện nay.

Thú thật mặt trái của mạng xã hội đang góp phần không nhỏ trong vấn đề tạo ra nhiều tư tưởng lệch lạc của một bộ phận nhỏ giới trẻ hiện nay. Thế nhưng, tại sao chúng ta không thử lật lại mặt phải; những lợi ích từ mạng xã hội để tận dụng hết các tính năng của chúng. Ngày xưa thế hệ 8X, 9X chúng tôi chỉ có thể tiếp cận kiến thức thông qua sách báo, ti vi, nhưng bối cảnh thế hệ Gen Z bây giờ đã khác, thậm chí các bạn ấy còn tự tạo ra xu thế để hàng ngàn bạn trẻ khác cũng bắt chước theo, chỉ bằng một tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình.

Họ tự tạo ra lối sống, tự tạo phong cách thời trang, phong cách ăn uống và cả kỹ năng kiếm tiền cũng hơn hẳn thế hệ 8X, 9X chúng tôi lúc bằng tuổi họ. Chính các bạn sinh ra sau những năm 2000 đã tạo ra một lối tư duy sáng tạo khác biệt nhằm tạo dựng một hình mẫu thanh niên lý tưởng khác biệt hoàn toàn với nhiều lớp thanh niên đi trước. Họ được cởi mở, táo bạo hơn và có nhiều sáng kiến hay hơn. Tuy chỉ có một điều người trẻ bây giờ họ thiếu đôi chút định hướng trong tư tưởng mà thôi. Đó cũng là lý do lớp thanh niên đi trước như chúng tôi cần hỗ trợ họ và tạo động lực cho họ nhiều hơn nữa.

Quả thật bản thân tôi tin rằng mỗi thanh niên trong chúng ta đều sẽ tự mình tìm ra một câu trả lời khác nhau, tự mình xây dựng hình mẫu thanh niên lý tưởng của riêng cá nhân mình. Và bên cạnh đó cũng sẽ có một bộ phận nhỏ thanh niên sẽ không có mong cầu gì trong việc trở thành những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong công cuộc góp sức làm giàu quê hương Tổ quốc.

Không sao cả, vì mỗi người có quyền chọn lựa hình mẫu cuộc đời khác nhau. Tuy nhiên tôi chỉ ước mong rằng các bạn thanh niên trẻ hiện nay chỉ cần đứng trước những sóng gió cuộc đời mình, các bạn sẽ tự vượt qua; vì chỉ khi nào ta không bê tha với chính cuộc đời mình, thì ta mới có thể đi giúp cho những người xung quanh và xa hơn nữa là góp phần kiến tạo xã hội thêm phần tốt đẹp hơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.