174 tỉ USD phủ kín metro Hà Nội và TP.HCM: Bao giờ khả thi?

03/09/2024 09:46 GMT+7

Ước tính tổng nguồn vốn huy động để "phủ sóng" mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035 là rất lớn, cần khoảng 174,06 tỉ USD. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng cần làm rõ tính khả thi phương án huy động vốn cũng như phương án tài chính, tránh kéo dài tiến độ.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, ngành để xin ý kiến về Dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP.HCM trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua.

174 tỉ USD phủ kín metro Hà Nội và TP.HCM: Bao giờ khả thi?- Ảnh 1.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP.HCM sắp về đích là tuyến đầu tiên của thành phố vận hành

ẢNH: T.N

Mục tiêu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội, TP.HCM có tốc độ thiết kế 80 - 160 km/giờ, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa.

Đến năm 2035 hoàn thành toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung 2 thành phố trước đây, với tổng chiều dài khoảng 580,8 km (TP.Hà Nội khoảng 397,8 km; TP.HCM khoảng 183 km), đạt tỷ lệ 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Đến năm 2045, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thêm khoảng 369,06 km (TP.Hà Nội khoảng 200,7 km; TP.HCM khoảng 168,36 km), đạt tỷ lệ 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Đến năm 2060, sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 158,66 km tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, đạt tỷ lệ 55 - 60% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Người dân thủ đô Hà Nội thích thú trải nghiệm metro Nhổn – ga Hà Nội

Theo Bộ GTVT, đây là lộ trình cần thiết để hoàn thành mục tiêu phát triển đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội và TP.HCM theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 49-KL/TW.

Góp ý cho việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ KH-ĐT cho rằng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đã chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các vướng mắc, khiến việc triển khai các dự án đường sắt đô thị chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Tuy nhiên, bộ này cũng lưu ý Bộ GTVT và các thành phố cần rà soát, bổ sung nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan tới quyết tâm chính trị; công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành; việc tổ chức thực hiện các dự án chưa kịp thời; mục tiêu ưu tiên phát triển đường sắt đô thị; cơ sở pháp lý; sự thiếu đồng bộ các cơ chế, chính sách dẫn đến chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chậm trễ trong thực hiện các dự án...

Làm rõ phương án huy động 174,06 tỉ USD vốn

Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, cần làm rõ phương án huy động vốn và ảnh hưởng tới các chỉ tiêu tài chính quốc gia của kế hoạch phủ kín mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố vào năm 2035 là rất lớn, cần khoảng 174,06 tỉ USD, bao gồm 145,26 tỉ USD cho nhu cầu đầu tư, xây dựng và 28,8 tỉ USD cho vận hành khai thác.

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng, phương án huy động vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị phụ thuộc vào quyết định lựa chọn công nghệ trong trường hợp huy động nguồn vốn ODA hoặc vay tín dụng xuất khẩu do các đối tác thường áp dụng điều kiện vay ràng buộc (đi kèm công nghệ).

Do đó, hai thành phố lớn cần cân nhắc kỹ phương án huy động vốn đầu tư đảm bảo khả năng tối đa về làm chủ công nghệ, vận hành và khai thác các tuyến đường sắt đô thị.

Với Hà Nội, để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị từ nay đến năm 2045 khoảng 66,38 tỉ USD. Thành phố có thể huy động khoảng 57,77 tỉ USD, còn thiếu 8,61 tỉ USD so với nhu cầu đầu tư và dự kiến bù đắp bằng nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ.

Trong khi đó, sơ bộ tổng cầu vốn đầu tư đến năm 2035 của TP.HCM khoảng 34,92 tỉ USD. TP.HCM cân đối được 25,17 tỉ USD và đề nghị Trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 9,75 tỉ USD.

Như vậy, tổng nhu cầu vốn mà 2 thành phố đề nghị ngân sách T.Ư đến năm 2035 để phát triển đường sắt đô thị là khoảng 18,36 tỉ USD.

174 tỉ USD phủ kín metro Hà Nội và TP.HCM: Bao giờ khả thi?- Ảnh 2.

Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 của Hà Nội vận hành

ẢNH: ĐÌNH HUY

Qua rà soát sơ bộ, Bộ KH-ĐT cho rằng số liệu nhu cầu đầu tư, khả năng huy động chưa thống nhất; không đưa ra phương pháp, cơ sở tính toán sơ bộ nhu cầu đầu tư và khả năng huy động vốn.

Ngoài ra, việc hỗ trợ ngân sách T.Ư cho TP.Hà Nội và TP.HCM để đầu tư metro cần xem xét trong bối cảnh dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn khác như Đồng Đăng - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... cũng được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 đến 2035.

Thống nhất cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo đột phá về việc đầu tư đường sắt đô thị metro trong thời gian tới, nhằm đảm bảo tiến trình đầu tư theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT và 2 thành phố rà soát, đề xuất rõ, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, lưu ý đến việc phân tích, kiểm soát và xử lý các rủi ro của các dự án metro khi phương án huy động vốn không khả thi hoặc khi phương án tài chính không đạt mục tiêu, dẫn đến phải bù lỗ, doanh thu không đủ chi phí vận hành hoặc xuất hiện các yếu tố về kỹ thuật nhưng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý trong quá trình thi công xây dựng, dẫn đến kéo dài tiến độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.