19 bệnh nền có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất theo khuyến cáo của Bộ Y tế

05/08/2021 16:23 GMT+7

Quyết định 3646/QĐ-BYT cho biết những người mắc bệnh, như: đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, thận mạn tính, ghép tạng, béo phì, thừa cân... có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất.

Ngày 4.8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3646/QĐ-BYT về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-COV-2. Đáng chú ý, Bộ Y tế cho biết những người mắc bệnh, như: đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, thận mạn tính, ghép tạng, béo phì, thừa cân... có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo 19 bệnh nền có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất

Người bị béo phì, đái tháo đường.. có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất

Ngày 5.8, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều người dân khi được chính quyền địa phương hẹn lịch đi tiêm vắc xin Covid-19 thắc mắc nếu mắc bệnh nền thì có tiêm được không?
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3646/QĐ-BYT về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và hướng dẫn xử trí ban đầu. Trong đó, Bộ Y tế phân loại 19 bệnh nền có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất.
Theo Bộ y tế, những bệnh nền mà người mắc bệnh có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao gồm: Đái tháo đường; Béo phì, thừa cân; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh hen suyễn; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ; Bệnh hồng cầu hình liềm; Rối loạn sử dụng chất gây nghiện; Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các loại bệnh hệ thống.

Người dân TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 vào buổi tối: “Không quan trọng loại nào”

Tại sao người có bệnh nền diễn tiến nặng khi mắc Covid-19?

Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM) cho biết bệnh nền là bệnh đã có sẵn. Điều này có nghĩa là lúc nào người có bệnh nền cũng phải đối đầu với bệnh đó, phải uống thuốc, thăm, tái khám thường xuyên. Bên cạnh đó, việc ít vận động khiến sức đề kháng giảm, cộng với bệnh nền sẵn có tạo điều kiện cho các yếu tố nguy hiểm dễ dàng tấn công.
Dựa theo yếu tố suy giảm miễn dịch, bệnh nền được chia ra làm 3 nhóm:
Nhóm 1: Nhóm chuyển hóa thường gây ra do tiểu đường và dư cân. Tiểu đường thường là tiểu đường tuýp II.
Nhóm 2: Nhóm bệnh lý về phổi như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính. Đó là 2 nhóm bệnh làm đường thở giảm khả năng vận chuyển của các lông chuyển, gây ho hen, ứ đàm… đây là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi, nảy nở.
Nhóm 3: Nhóm bệnh tim mạch như bệnh lý mạch vành, tim mãn tính với những người suy tim.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, những người mắc bệnh lý nền nếu mắc phải bệnh Covid-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với các bệnh nhân khác. Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền mãn tính phải sử dụng những biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, thở oxy,…

Người già chống gậy, ngồi xe lăn đi tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM

Cách kiểm soát bệnh nền

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, những người mắc bệnh lý nền nếu mắc phải bệnh Covid-19 sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Do đó, ngoài những biện pháp phòng ngừa bệnh hàng ngày, những người mắc bệnh nền cần phải đặc biệt tuân thủ những điều lưu ý, như:
Cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mãn tính của mình.
Luôn mang theo các loại thuốc bệnh mãn tính trong người, ít nhất đủ dùng cho 30 ngày.
Trao đổi về tình trạng bệnh lý nền của bản thân thường xuyên hơn với bác sĩ, liên hệ ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ khoảng cách 2 m ở những khu vực tập trung.
Đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm và viêm phổi để hạn chế tình trạng xấu đi trong trường hợp nhiễm Covid-19.

Biểu hiện của người nhiễm Covid-19 là gì?

Đồng thời, Quyết định 3646/QĐ-BYT Bộ Y tế còn cho biết, các biểu hiện của người nhiễm Covid-19, cụ thể như: Ho, sốt (trên 37,5oC), đau đầu, đau họng, rát họng, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, khó thở, đau ngực, tức ngực, đau mỏi người, đau cơ, mất vị giác, mất khứu giác, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.