1950 by Duc Hanh - Giữ thương hiệu may trăm tuổi để mẹ vui

09/03/2022 15:00 GMT+7

Đi qua số nhà 21 Hàng Trống (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), thấy treo tấm biển có hình 2 thiếu niên đang mặc trang phục rất đẹp với hàng chữ “1950 by Duc Hanh”. Đó là nơi hai chị em bà Trần Thức Lễ và Trần Thị Đức cùng sinh sống và lập nên thương hiệu thời trang trẻ em Đức Hạnh.

Ông Nguyễn Văn Lãng và bà Trần Thức Lễ

Ảnh gia đình cung cấp

Bà Đức Hạnh của trẻ em Hà Nội

Bà Trần Thị Đức, nay đã 93 tuổi, vẫn nhớ những ngày còn nhỏ chị mình là bà Trần Thức Lễ hay đứng trước cửa hàng quần áo trẻ em của người Pháp mang sang Việt Nam bán.

“Ngày nào chị tôi cũng đến ngắm những mẫu váy áo được trưng bày trong các khung kính sang trọng. Chị nói sau này sẽ may đồ cho trẻ em. Chị em tôi đi lấy chồng rồi sinh các con, buôn bán nhỏ để sống. Cuộc sống khó khăn, chị tôi bàn với tôi mở cửa hàng để may quần áo bán sẵn và nhận may quần áo cho trẻ em. Chị rất yêu tôi nên lấy tên tôi và tên con gái đầu của tôi để đặt cho thương hiệu cửa hàng của chị ĐỨC HẠNH”, bà Đức nhớ lại.

Bà Nguyễn Kim Dung, con gái của bà Lễ và ông Nguyễn Văn Lãng, cho biết: “Mẹ mình thiên về sản xuất, còn một người em gái là bà Đức thì thiên về việc kinh doanh. Thời kỳ những năm năm mấy, ông bà chính là người đầu tiên dùng máy may của Pháp. Ông là người đầu tiên trong nước dùng máy đó trước giải phóng”, bà Dung nhớ lại.

Biển hiệu 1950 by Duc Hanh ở 21 Hàng Trống

Ảnh gia đình cung cấp

Bà Đức cho biết, thời trang trẻ em Đức Hạnh ảnh hưởng thời trang trẻ em Pháp nhiều. Những mẫu quần bồng, quần yếm với áo sơ mi thêu cho bé trai và các mẫu váy tay bồng, cổ lá sen tròn cho bé gái được thêu và ximoc tỉ mỉ tạo điểm nhấn. Bà Lễ cũng tìm công thức cắt phù hợp tỷ lệ cơ thể trẻ em Việt Nam. Nhờ thế, các bé mặc đồ Đức Hạnh luôn thấy thoải mái. Chọn vải sợi bông, bà Lễ tính để mát mùa hè và ấm mềm mùa đông.

“Quần áo của Đức Hạnh đẹp và bền nổi tiếng. Các gia đình may cho cậu anh thì 2-3 đứa em vẫn còn mặc, thậm chí còn cho lại nhà khác mặc tiếp mấy lứa trẻ nữa. Chính vì vậy, các thế hệ trẻ em rất nhớ và ấn tượng thương hiệu Đức Hạnh”, bà Đức nhớ lại.

Thời trang Đức Hạnh còn rất hấp dẫn nhờ được thêu chỉ mầu, ximoc, bode bằng tay với các hình hoa trái, con vật nhỏ xinh rất tinh tế. Ông Lãng bà Lễ về tận làng nghề thêu ở Thường Tín để đặt thêu. Khi thêu máy phát triển, bà Lễ vẫn giữ dòng sản phẩm thêu tay sơ sinh để làm sản phẩm cao cấp. Khách hàng ngày đấy là những gia đình quý tộc, gia đình buôn bán có tiền. Đặc biệt, có những gia đình người Pháp khi về nước vẫn đặt may. Mỗi khi nhận vali vải ở nước ngoài gửi về, bà Lễ vuốt ve từng miếng vải và thầm ước ao bao giờ trẻ em Việt Nam mới được mặc những loại vải đẹp và tốt này...

Những mẫu thiết kế xưa của Đức Hạnh

Ảnh gia đình cung cấp

Thời kỳ vàng son của thương hiệu, ông Lãng bà Lễ mua được 3 căn nhà liền nhau ở phố Hàng Trống, từ số 17-21. Cũng trong thời kỳ đó, ông có tới 5 chiếc máy may lớn. Tới 1960, thời của công tư hợp doanh, ông bà phải nhập vào nhà nước thành cửa hàng quốc doanh Đức Hạnh, chuyên bán và may đo quần áo trẻ em.

Bà Đức nhớ lại: “Những năm Việt Nam còn khó khăn, chị tôi đặt mua catalogue, mua vải, mua phụ kiện như ruy băng, đăng ten, khuy, chỉ từ Pháp nhập về. Vải để may cho trẻ em luôn là vải sợi bông với tông mầu trắng là chủ đạo. Các mầu khác cũng là mầu nhẹ nhàng như hồng phấn, vàng gà non, xanh trời nhạt, tạo cảm giác sạch sẽ, mát mẻ”.

Đồng phục trường học của mọi trường học

Ông Nguyễn Văn Lãng và bà Trần Thức Lễ cứ tiếp tục gánh những công việc quan trọng nhất của cửa hàng quốc doanh Đức Hạnh cho đến khi về hưu khoảng những năm 1990. Tới đó, bà Lễ vẫn còn giàu năng lượng và cùng họ hàng mở cửa hàng tại 32 Hàng Trống, vẫn lấy tên Đức Hạnh.

“Khi đó bố mẹ tôi cũng già rồi. Phía nhà nước vẫn kinh doanh, giữ tên Đức Hạnh. Nhưng người ta không còn người thiết kế và cũng không giữ được cốt cách của Đức Hạnh xưa. Bố mẹ tôi mở hàng, làm hàng trong nhà rồi khách quen họ tự tìm đến”, bà Dung nói.

Nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội gắn bó với Đức Hạnh

Ảnh gia đình cung cấp

Con gái bà Đức - chị Ngọc Diệp chia sẻ những năm 1990, nói đến Đức Hạnh là nói đến đồng phục trường học. Đức Hạnh là nhà may đầu tiên ở Hà Nội được các trường nội thành chọn may cho học sinh. Nhận hàng nghìn bộ đồng phục, bà Lễ phải tính toán rất nhiều. Bà cẩn thận thiết kế mẫu theo các cỡ áo quần cho từng độ tuổi. Trẻ cao lớn hay bé hơn, bà đến tận trường đo để may vừa vặn. Đồng phục của Đức Hạnh rất bền, thấm mồ hôi và tạo sự thoải mái cho học sinh.

Chị Diệp cho biết bà Lễ rất hiền và rất chiều trẻ em. Các bé được bố mẹ đưa đến cửa hàng, bà luôn là người chào đón, hỏi han, lắng nghe mong muốn. Bà kiên nhẫn nghe kể về nhân vật trong phim hoạt hình nào đó mà các bé muốn may.

“Tối về bà ngồi xem phim hoạt hình, bà vẽ lại bộ trang phục trên giấy. Hôm sau bà đi các chợ để tìm mua vải cho đúng các mầu của mẫu. Bà và cô thợ cả cắt may ráp các bộ phận để hoàn thành trang phục các bé muốn. Lúc trả đồ, nhìn các bé thử vừa in và phấn khích thể hiện mình hóa thành nhân vật hoạt hình, bà và các cô thợ vui lắm”, chị Diệp kể.

Cửa hàng đẹp đẽ xưa thời Pháp

Ảnh gia đình cung cấp

Cứ thế bà và ông đã tạo ra hàng triệu bộ trang phục trẻ em trở thành ký ức đẹp của bao thế hệ, ghi dấu ấn một tên tuổi trong bản đồ thương hiệu Hà Nội. Dù đi xa, dù giờ đã già, mỗi khi trở về Hà Nội đi qua phố Hàng Trống, mọi người vẫn nghe thấy câu nói “Ngày xưa bố (mẹ) cháu được mặc quần áo của nhà may Đức Hạnh, diện nhất phố”.

Bây giờ, đến cổng 21 Hàng Trống, nếu nói đi may đo Đức Hạnh, sẽ có người chỉ lên gác. “Các cửa hàng cùng tên Đức Hạnh trên phố này không có may đo, chỉ bán đồ sẵn. Tôi cũng bán đồ sẵn nhưng có thêm may đo. Nó phù hợp với người gầy quá hoặc béo quá. Nên cứ ai hỏi may đo là họ lại giới thiệu về nhà mình. Người mua lâu năm thích may đo thì nó phù hợp và giá cũng không đắt hơn”, bà Dung cho biết.

Ngày lại ngày, bà Nguyễn Kim Dung đều đặn đi từ Khâm Thiên lên căn gác tầng 2 của cha mẹ mình ở phố Hàng Trống. Khéo tay hay làm từ nhỏ, bà hiện là người nối nghiệp duy nhất của thương hiệu gần trăm tuổi này. Đó cũng là cống hiến cả đời của bà Trần Thức Lễ và ông Nguyễn Văn Lãng cho nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội.

“Tôi sẽ duy trì thương hiệu đến mức có thể, tôi muốn mẹ tôi vui”, bà Dung, giờ đã 70 tuổi, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.